Tìm lại hạnh phúc từ tận cùng cõi chết

Tìm lại hạnh phúc từ tận cùng cõi chết

Thứ 6, 06/09/2013 17:57

Gần một tuần chăm chồng tại bệnh viện, chị Liên như gục xuống khi nghe các bác sỹ chẩn đoán chồng chị bị HIV giai đoạn cuối.

Không biết chồng có HIV

Mới đây lên vùng núi Tây Bắc công tác, chúng tôi tình cờ gặp gỡ một tấm gương phụ nữ điển hình vượt lên số phận nghiệt ngã trong câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (thành viên là những người có HIV) tỉnh Điện Biên. Với vẻ mặt tươi tỉnh, thoải mái trong giao tiếp của cô gái 27 tuổi Lò Thị Liên, chúng tôi cảm nhận người mẹ trẻ này đã thoát khỏi mặc cảm, tự ti - một căn bệnh cố hữu của nhiều người mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV. T

rong câu chuyện thân tình, Liên kể về mối tình đầu từ thuở cấp 3. Kết quả của tình yêu, cô và Thành đã nên duyên vợ chồng. Cũng giống như nhiều đôi vợ chồng người dân tộc Thái trẻ trên đất Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, vợ chồng Liên- Thành hàng ngày lên nương làm rẫy, tranh thủ nuôi con gà, con vịt. Hạnh phúc đơm hoa khi Liên sinh đứa con gái đầu lòng kháu khỉnh, khỏe mạnh nhưng không may cháu bé bị câm điếc bẩm sinh. "Hai vợ chồng em bàn nhau cố gắng làm việc, dành dụm tiền đưa con ra Thủ đô Hà Nội chữa bệnh. Điều mong ước nhỏ nhoi ấy đã tan tành mây khói vì chồng em bị nhiễm HIV", Liên tâm sự.

Qua sự chỉ bảo của một người bà con làm bác sỹ, Liên đi xét nghiệm và biết chắc chắn chồng đã truyền căn bệnh thế kỷ sang cho mình. Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, trong đầu Liên nảy sinh ý định tự tử. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con gái nhỏ miệng còn hơi sữa, đang cần sự chăm sóc của mẹ, Liên gắng gượng sống trong chuỗi ngày buồn tủi, gần như suy sụp hoàn toàn về tâm lý.

Liên kể trong nước mắt: "Biết chồng em mất vì SIDA, hàng xóm, bạn bè ít đến nhà chơi. Trước kia cái giếng nước cạnh nhà em dùng chung cho 4- 5 gia đình, nay họ không dùng nữa. Em cảm giác mọi người nghĩ HIV bám vào ghế, em ngồi ghế nào, họ không dám ngồi vào cái ghế đó. Nhà cửa, vườn tược rộng rãi nhưng hai mẹ con em cảm thấy lạnh lẽo vì lúc nào cũng vắng tanh, vắng ngắt”. Những lúc cuộc sống rơi vào tuyệt vọng, Liên gửi con gái cho bà ngoại hơn 80 tuổi trông nom, một mình lên nương rẫy khóc cho vơi nỗi sầu, khóc cho tan biến đau đớn trong lòng. Khóc chán, Liên lại nghĩ đến con gái và chính cô con gái nhỏ đã kéo mẹ nó trở về với cuộc sống hiện tại.

Xã hội - Tìm lại hạnh phúc từ tận cùng cõi chết

PV Người Đưa Tin trò chuyện với chị Liên. Ảnh: Thành Long

Ngày con gái vào lớp 1, Liên dồn hết tình cảm, sự quan tâm, động viên con đến trường học. Thế nhưng tạo hóa trớ trêu một lần nữa lại thử thách hai mẹ con khi cô giáo cho hay con gái Liên học trong lớp nhìn và hiểu được chữ cô viết ở trên bảng, song cháu không hiểu cô giáo nói gì (vì tai bị điếc).

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Liên quyết định gửi con vào học ở một trường phục hồi chức năng dành cho trẻ bị khuyết tật ở Hà Nội, còn mình tham gia câu lạc bộ Hoa Hướng Dương của những người có HIV. Hiện tại, hai mẹ con Liên ở cách nhau hơn 500km, nhưng trái tim lúc nào cũng cùng nhịp đập hướng về nhau bằng tình mẫu tử thiêng liêng.

Giọt nước mắt thấm đẫm tình mẫu tử

Năng nổ giúp người

Trong câu lạc bộ Hoa Hướng Dương, Lò Thị Liên là một thành viên tích cực. Cô luôn năng nổ, đi đầu các hoạt động trong câu lạc bộ. Thông qua hoạt động tuyên truyền trực tiếp, Liên giúp cho nhiều người có HIV vươn lên trong cuộc sống, trang bị kiến thức phòng tránh và triệt tiêu dần những kỳ thị, xa lánh của người đời với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. "Tôi muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình giúp những người cùng cảnh ngộ như tôi sống có ý nghĩa với gia đình và xã hội", Lò Thị Liên trải lòng.

Thời gian trôi nhanh, trái tim người quả phụ trẻ sau gần 5 năm khép kín kể từ ngày chồng mất đã bắt đầu thổn thức, run rẩy trước một người đàn ông cùng cảnh ngộ trong nhóm đồng đẳng dành cho những người có HIV tại câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (tỉnh Điện Biên). Sự quan tâm, chia sẻ tình cảm, chân thành của người đàn ông trẻ tên Trung dành cho Liên trong một thời gian dài đã làm con tim cô rung động thật sự. Người đàn bà trẻ 27 tuổi góa chồng, dáng người thanh thoát, mặt đẹp như bông hoa ban rừng đã chấp nhận đi bước nữa. Đôi bạn trẻ lúc nào cũng như đôi chim quấn quýt bên nhau và tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản dị của cuộc sống.

Nghe chúng tôi nhắc đến con gái, Liên rơm rớm nước mắt, cho hay mình rất nhớ con gái. Đã hơn nửa năm nay hai mẹ con chưa có dịp gặp nhau. Phần vì đường sá xa xôi, đi lại tốn kém, phần vì công việc chưa cho phép, hai mẹ con chỉ nhắn tin cho nhau qua điện thoại di động. Tình cờ, đúng vào dịp này, Liên được mời tham dự một buổi hội thảo ở Hải Phòng. Chúng tôi hẹn gặp Liên ở Hà Nội, sau đó sẽ chở cô đến thăm con gái.

Đúng hẹn, chúng tôi nhờ một doanh nghiệp cho mượn chiếc ô tô 7 chỗ chở Liên và bạn bè của cô đi thăm con tại một ngôi trường đặc biệt cách Hà Nội hơn 30km. Món quà chúng tôi dành cho các cháu là vài thùng sách báo, chuyện tranh và ít sữa, bánh kẹo… Xe ô tô chở chúng tôi đến trước cổng trường cũng là lúc trời sâm sẩm tối.

Vừa trông thấy mẹ đến gần lớp học, cô con gái 9 tuổi chạy đến ôm chầm lấy, lời nói được thay bằng những động tác ký hiệu từ tay. Liên quay sang chúng tôi giải thích: "Con gái em nói sao mẹ lâu không đến thăm con". Rồi như một đứa trẻ trưởng thành, cháu Huyền dẫn mẹ và chúng tôi về phòng của cháu. Ở  đây là trường đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật nên các cháu ở tập trung như bộ đội, chăn màn được gấp gọn gàng trên 4 chiếc giường kê ngay ngắn. Mỗi cháu có một chiếc hòm sắt đựng quần áo và đồ tư trang. Thấy bạn Huyền có người nhà đến thăm, các cháu bé kéo đến rất đông. Chúng tranh nhau đọc sách báo, ăn bim bim và chơi đùa với nhau rất vui vẻ thoải mái.

Cháu Huyền ngồi vào lòng mẹ, dùng ngôn ngữ cử chỉ nói chuyện với mẹ. Nghe con nói, mắt của người mẹ trẻ trào vui niềm hạnh phúc khó tả, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má chúng tôi. Cảnh hai mẹ con hội ngộ thật cảm động. Theo lời kể (bằng ký hiệu) của Huyền, ngoài giờ lên lớp, các cháu được dạy phải tự tắm giặt vệ sinh thân thể, gấp chăn màn ngăn nắp. Theo quan sát của chúng tôi, những đứa trẻ ở đây tuy có khiếm khuyết về mặt thể chất, nhưng các cháu đều có ý thức trong ăn ở, sinh hoạt như người bình thường.

Cuộc gặp gỡ với cô con gái nhỏ đã làm Liên thay đổi kế hoạch ban đầu, cô quyết định ở lại với con sau đó mới trở về Điện Biên. Hai mẹ con Liên chào chúng tôi bằng tình cảm rất chân thành. Cầu chúc cho hai mẹ người phụ nữ này được vẹn toàn hạnh phúc trong tương lai.     

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Thiên Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.