Tìm lại hương vị cốm Mễ Trì

Tìm lại hương vị cốm Mễ Trì

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Mặc dù đã tồn tại được hơn 100 năm nhưng cốm Mễ Trì không có thương hiệu.

Trước đây, cứ mỗi khi vào mùa lúa chín, hai làng Thượng và Hạ của thôn Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) lại rộn ràng đều nhịp tiếng chày. Những làn khói mờ ảo bốc lên, mùi nồng nàn của hương nếp non như báo hiệu một mùa cốm mới đã đến. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo dòng chảy của thời gian và công cuộc đô thị hóa, nghề làm cốm thôn Mễ Trì đang dần bị đưa vào quên lãng. Người Hà Nội đang đứng trước thực trạng mất đi một làng cốm hơn 100 tuổi.

Xã hội - Tìm lại hương vị cốm Mễ Trì

Người dân lựa chọn những hạt chắc, mẩy để làm cốm.

Ngày xưa, mỗi khi mùa lúa mới đến, tiếng chày đập đều nhịp đã trở thành những bản nhạc quen tai của du khách mỗi lầm đi qua chốn này. Vào những buổi sáng, những chàng trai, cô gái thường thức dậy thật sớm. Họ ra đồng gặt những bông nếp non xanh mượt còn vương những hạt sương về nhà. Công đoạn nhặt lúa là của những cụ già và các em nhỏ. Những nhành lúa được người dân loại bỏ hết phần lá và xếp gọn gàng thành bó để chuẩn bị cho công đoạn tuốt, tách thóc.

Nguyễn Thị Thành, một người dân xóm 2, Mễ trì Thượng nhớ lại: “Lúc ấy tôi còn trẻ lắm. Buổi sáng thường đi ra đồng gặt lúa nếp về cho mẹ và các em nhặt thóc. Bố tôi thì đảm nhiệm công việc rang và giã cốm. Ngày ấy, người dân trong làng sống no ấm là nhờ nghề cốm này”.

Sau khi tuốt lúa tách thóc là công đoạn sàng sảy thóc. Những hạt lép bị sàng bỏ, còn những hạt chắc mẩy thì được đem vào lò để rang chín. Rang cốm là công đoạn quan trọng bậc nhất trong nghề cốm. Sau khi hạt thóc được rang chín, người làm cốm sẽ đem chúng đổ vào cối để giã. Một cối có khoảng 2 - 3 người thay đều nhịp chày. Công việc này thường được hoàn tất trước 6h sáng để kịp giờ cho các bà mang ra chợ.

Tuy nhiên, đó là nhiều năm về trước, còn hiện nay, nghề làm cốm thôn Mễ Trì đang dần bị mai một, có khả năng biến mất trong thời gian sắp tới. Được biết, hiện nay, cả hai làng Thượng và Hạ trong thôn Mễ Trì chỉ còn khoảng 5 - 10 gia đình còn giữ lại được cái nghề truyền thống này. Chính vì tốc độ đô thị hóa cao, những khu đô thị, những tòa cao ốc cao tầng đã cướp đi những mảnh ruộng xanh mướt, những nhành lúa trĩu nặng. Việc mất ruộng cũng đồng nghĩa không còn nguyên liệu để làng cốm có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng trên là do những đồng tiền thu được từ việc làm cốm quá ít ỏi so với tốc độ phát triển của xã hội ngày nay.

Trước đây, cứ vào mỗi buổi sáng sớm, thôn Mễ Trì như có hội. Hàng trăm người tập trung ngay trước cổng nhà mình để nhặt lúa. Tiếng cười nói đã át đi sự mệt mỏi trong lao động. Đây là thời kì hưng thịnh của làng cốm Mễ Trì. Còn bây giờ, số người còn sót lại làm nghề cốm hầu hết là những gia đình còn sự nhiệt huyết hoặc không thể chuyển sang một nghề nào khác.

Tuy đã có hơn 100 tuổi nhưng cũng chừng ấy thời gian, cốm Mễ Trì mang nhờ danh cốm làng Vòng. Có lẽ khi mang cốm Mễ Trì ra bên ngoài và quảng cáo sẽ chẳng có ai biết về thương hiệu của loại cốm này. Theo một số người dân trong thôn, trước đây, những người khai sinh ra làng cốm Mễ Trì làm cốm chỉ với mục đích mưu sinh nên không quan trọng đặt thương hiệu cho nghề. Chính vì cốm làng Vòng đã quá nổi tiếng và quen thuộc đối với người dân gần xa nên người Mễ Trì đã biến cốm làng mình thành cốm làng Vòng để hút khách.

Được biết, cốm Mễ Trì cũng có nguồn gốc từ cốm làng Vòng. Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, ngày trước, thôn Mễ Trì có một người con gái lấy chồng ở làng Vòng rồi học lỏm được cách làm cốm. Sau đó cô về truyền dạy cho những người trong gia đình. Đầu tiên chỉ có một gia đình làm rồi sau đó nghề cốm lan ra cả làng.

Chú Phạm Văn Tuấn, một người dân thôn Mễ Trì Thượng bộc bạch: “Khi ra bên ngoài, thấy rõ ràng là cốm làng mình mà lại phải mang danh cốm Vòng cũng thấy ấm ức lắm chứ. Nhưng biết làm thế nào được, nếu không nói là cốm Vòng thì sẽ không bán được hàng. Vì người ta đâu có biết đến cốm Mễ Trì”.

Hiện nay, ngoài thị trường đang có tin đồn những hạt cốm xanh là do người làm cốm dùng phẩm màu nên nhiều người tẩy chay. Chính vì lý do này mà nhiều làng cốm vốn đã khốn nay lại thêm phần khó. Chị Hoàng Thị Minh, một chủ cửa hàng cốm cho biết: “Từ khi có tin đồn người làm cốm dùng phẩm màu nhuộm cốm thì hầu như ngày nào hàng cũng ế ẩm. Trước đây, bình quân mỗi ngày cửa hàng chị bán được 30 - 40 kg, nhưng những ngày này hơn chỉ 10kg cũng bán không hết”. Hệ lụy của những tin đồn này không chỉ khiến cho cốm Vòng lao đao mà nó cũng khiến cho người làm cốm Mễ Trì nản bước. Nhiều hôm, cốm đã được làm xong nhưng vì chủ buôn không bán được hàng nên gọi điện bảo không nhập nữa. Thế là cả mẻ cốm được chuẩn bị từ hơn 3h sáng bỗng chốc trở thành công cốc. Bán rong cũng chẳng bù lại được vốn.

Phương Phương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.