Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng khai thác chưa hiệu quả
Là tỉnh nằm ở khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, Đắk Nông là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Theo đó, Đắk Nông có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 380.945 ha/650.927ha, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên.
Đây là tỉnh có điều kiện về đất đai và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả… Trong đó, cây cà phê với diện tích 137.849 ha, sản lượng hơn 342 nghìn tấn, tiêu hơn 34.099 ha, sản lượng hơn 66 nghìn tấn, điều hơn 17.106ha, sản lượng hơn 17 nghìn tấn...
Theo thông tin từ các ngành chức năng, hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tích cực (giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị). Sản xuất nông nghiệp đang chuyển theo hướng chất lượng, liên kết gắn với thị trường thông qua việc cơ cấu lại ngành…
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông vẫn phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Điều này, chưa tạo ra được giá trị sản phẩm, cũng như sức cạnh tranh trên thị trường, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay: “Là tỉnh thuần nông, nhưng đến thời điểm này, sau gần 20 năm thành lập tỉnh, Đắk Nông vẫn chưa có một cơ sở cây giống bảo đảm quy mô, chất lượng. Hiện nay, nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang đối mặt với bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Để phát huy, tiềm năng lợi thế sẵn có, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, chú trọng đến việc phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; hướng tới sơ chế, chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các chương trình hành động, kế hoạch để phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. “Tỉnh đã xác định cụ thể mục tiêu, lộ trình, giải pháp để thực hiện. Trong đó, tập trung các nguồn lực của tỉnh để hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (gồm: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, thủy sản, lúa, ngô,…). Mặt khác, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu” – ông Lê Trọng Yên thông tin.
Hướng đến nền nông nghiệp sạch
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã xây dựng danh mục dự án đầu tư, thu hút đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và cơ hội đầu tư của tỉnh Đắk Nông.
Mặt khác, tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước. Tập trung quy hoạch đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ...
Để hỗ trợ bà con nông dân đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường, thời gian qua, ông Lê Trọng Yên đã chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ cho các hợp tác xã, trang trại, nhà vườn kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. “Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, tỉnh đã kết nối một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, thu mua và đưa nông sản của Đắk Nông tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng” – ông Yên chia sẻ.
Ngoài ra, địa phương này còn đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản, quản lý mã số vùng trồng để cung cấp thông tin, thị trường nông sản kịp thời. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhờ sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang từng bước được các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng và đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên thông tin: “Hiện nay, toàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận. Hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 2.423,17 ha; công nhận được 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã triển khai hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả”.
Đặc biệt, việc sử dụng các giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt,… góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được 7 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao.
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng ngày càng tăng. Giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân ước đạt 4,72%. Trong đó, riêng năm 2022, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt 15.045,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,64%. Với tốc độ tăng trưởng khá, đạt 5,21%, nông nghiệp giữ vai trò là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế của tỉnh.
Những kết quả nói trên đã dần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông theo hình thức tự phát, sản xuất tự cung, tự cấp chuyển dần sang hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được tỉnh sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.
Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Khánh Ngọc