Hàng loạt điểm yếu của phim tài liệu Việt Nam lại tiếp tục được nhìn thấy qua Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 4. Nhưng phía sau câu chuyện buồn dài lê thê ấy, nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng đã đến lúc Phim tài liệu Việt phải tìm đường tự cởi trói cho mình bằng những thay đổi cả về cách nghĩ, cách làm theo mô hình quốc tế hiện đại.
Bỏ đi cách tư duy sáo mòn
Nhiều khán giả Việt đến LHP Quốc tế lần thứ 4 đã nói thẳng, họ chán với cách tư duy sáo mòn của phim tài liệu Việt. Cũng là phản ánh giá trị sự thực, nhưng trong khi phim nước ngoài thể hiện sự phá cách, sẵn sàng chạm đến tận cùng cảm xúc người xem bằng việc chạm vào những mảng màu tối, những đề tài gai góc, thì phim tài liệu Việt, khi trình chiếu lại không làm được điều này.
Những bộ phim như: Thầy mo làm y tế - đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Tiếng gọi từ bầy linh trưởng đạo diễn Phạm Bình, Cuộc đời sau trang sách đạo diễn Phan Huyền Thưđều chưa chạm đến tầng sâu nội tâm khán giả và thể hiện rõ sự vụng về trong chuỗi hình ảnh kết nối, ngôn ngữ của thể loại tài liệu. Đề tài loanh quanh trong vài ba vấn đề mang tính xã hội, cách thể hiện sáo mòn với những quan điểm chủ yếu dựa trên số đông quần chúng.
Một chuyên gia chua chát nhận định: Chính đạo diễn phim tài liệu Việt Nam đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi sáng tạo khi luôn giấu kín bản thân, tự gò ép mình trong những kiểm soát mà họ vẫn thường hô vang và đổ lỗi là kiểm duyệt. Nhưng có thể thấy rõ vấn đề phim tài liệu Việt Nam không hay, không sâu sắc và thiếu những phá cách, thiếu ngôn ngữ sáng tạo là bệnh nằm trong chính bản thân những người làm phim. Những điều đó cần phải thay đổi nếu không muốn phim tài liệu Việt Nam tiếp tục trì trệ.
“Cởi trói” từ kinh phí
Đi ra ngoài địa hạt chuyên môn, một vấn đề khiến nhiều người trăn trở là đội ngũ các nhà làm phim tài liệu. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đạo diễn Bùi Đình Dương, cơ quan thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM từng nói rằng: “Lớp trẻ rất nhiều người giỏi, nhiệt huyết, đam mê làm phim tài liệu truyền hình. Nhưng lớp trẻ làm phim tài liệu thì ai duyệt, lãnh đạo duyệt. Lãnh đạo có dám để cho phát không hay cho rằng nhạy cảm thì lại bỏ đi rồi cho rằng lớp trẻ thiếu chín chắn, thiếu nhận thức sâu sắc, làm phim theo kiểu ngựa non. Quả bóng trách nhiệm để cải tổ chất lượng phim tài liệu, như thế đã được đá về phía các đài truyền hình, các cơ quan quản lý. Không chỉ cần thay đổi tư duy vấn đề, các đạo diễn trẻ cũng cần được tạo điều kiện để trực tiếp rèn luyện".
Đồng thời, kinh phí đầu tư cho sản xuất cũng cần được quan tâm thích đáng. Nói như nhà quay phim NSƯT Trần Trung Nhàn: “Trong khi các đạo diễn nước ngoài là những nhà làm phim độc lập, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài chính thì các nhà làm phim tài liệu ở ta lại hoàn toàn ở thế bị động. Kinh phí làm phim rất ít nên cũng là một hạn chế. Điều này chứng minh vì sao phim nước ngoài tìm được vấn đề và nhân vật sắc sảo, còn phim Việt thì ngược lại.
Cũng chỉ ra thực trạng, bà Phạm Thị Tuyết (Tổng giám đốc Hãng phim tài liệu, khoa học Trung ương) đánh giá: “Người đạo diễn của ta không theo sát tác phẩm của mình từ lúc sản xuất đến lúc phát hành và phổ biến, không biết nó thu lại được bao nhiêu tiền, hiệu quả xã hội ra sao? Công chúng quan tâm đến mảng đề tài, tác giả nào? Còn ở các nước khác, điều này rất rõ nét. Ở đây cũng cần phải nhắc tới cơ chế quản lý của nhà nước, vì chúng ta hoàn toàn làm phim do nhà nước cung cấp kinh phí, còn ở bạn sản xuất phải tự tìm nguồn vốn đầu tư cho mình".
Đánh giá của bà Tuyết, theo nhiều chuyên gia là một gợi ý về con đường sáng cho phim tài liệu Việt trong tương lai gần. Nên chăng, đã đến lúc xã hội hóa nguồn kinh phí làm phim, giống như con đường của nhiều phim tài liệu xuất sắc nước ngoài.
Ở các nước để sản xuất một bộ phim tài liệu, thường các nhà làm phim phải tự viết kịch bản, làm đạo diễn và họ quan tâm đến cả công tác phát hành lẫn thu hồi vốn. Cho nên tính chủ động của tác giả với bộ phim rất cao. Còn ở Việt Nam thường một người viết kịch bản, một người làm đạo diễn và chức năng phát hành lại thuộc về cơ quan khác. |
Hương Giang