Các nhà lãnh đạo của một thế giới bị phân mảnh bởi chiến tranh, biến đổi khí hậu và tình trạng bất bình đẳng kéo dài đang tập trung dưới một mái nhà trong sự kiện cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, khai mạc ngày 19/9 và kéo dài đến ngày 26/9.
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 78 diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, các cuộc khủng hoảng chính trị mới ở Tây Phi và Mỹ Latinh, tác động kéo dài của Covid-19, bất ổn kinh tế, bất bình đẳng ngày càng gia tăng và các thảm họa thiên nhiên tàn khốc như động đất, lũ lụt và hỏa hoạn.
“Mọi người đang trông đợi các nhà lãnh đạo của họ tìm ra lối thoát khỏi tình trạng hỗn loạn này”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết trước cuộc họp thường niên của các Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng và Quốc vương tại Đại hội đồng.
Ông Guterres cho biết thế giới cần hành động ngay bây giờ – chứ không cần nhiều lời nói hơn – để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng tồi tệ, xung đột leo thang, “sự gián đoạn nghiêm trọng về công nghệ” và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đang làm gia tăng nạn đói nghèo.
“Tuy nhiên, khi đối mặt với tất cả những điều này và hơn thế nữa, sự chia rẽ địa chính trị đang làm suy yếu khả năng ứng phó của chúng ta”, người đứng đầu LHQ nói.
Dự kiến, 145 nhà lãnh đạo sẽ phát biểu tại cuộc họp mặt đầy đủ đầu tiên của họ kể từ khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc đi lại. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là người duy nhất trong số các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an (UNSC) phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đều sẽ vắng mặt tại sự kiện cấp cao lần thứ 78 của LHQ.
Cũng vì vậy mà sự chú ý sẽ đổ dồn vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người sẽ xuất hiện lần đầu tiên trên bục phát biểu vào cuối ngày 19/9, và vào Tổng thống Mỹ Biden, người sẽ được dõi theo sít sao để xem quan điểm của ông về Trung Quốc, Nga và Ukraine.
Sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo từ 4 cường quốc trong UNSC đã khiến các nước đang phát triển phàn nàn. Họ đang muốn các nước lớn trên toàn cầu lắng nghe yêu cầu của họ – bao gồm cả về các khoản tài trợ để thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo đang ngày càng bị nới rộng trên thế giới.
G77 – một nhóm lớn của LHQ gồm các nước đang phát triển hiện có 134 thành viên, trong đó có Trung Quốc – đã vận động mạnh mẽ để cuộc họp toàn cầu năm nay tập trung vào 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đã được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua vào năm 2015. Những mục tiêu này đang bị tụt hậu nặng nề khi nửa chặng đường tới thời hạn 2030 đã trôi qua.
Tại một Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày về SDG, khai mạc hôm 18/9, ông Guterres đã nhắc lại những phát hiện “đáng lo ngại” trong một báo cáo của LHQ hồi tháng 7: Chỉ 15% trong số 140 mục tiêu cụ thể nhằm đạt được 17 SDG đang đi đúng hướng, trong khi phần nhiều đang đi sai hướng, và không một mục tiêu nào có thể đạt được trong 7 năm tới.
Các mục tiêu trên phạm vi rộng bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực, đảm bảo mọi trẻ em đều có được nền giáo dục trung học có chất lượng, đạt được bình đẳng giới và đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu – tất cả đều vào năm 2030.
Với tốc độ hiện tại, báo cáo cho biết, 575 triệu người vẫn sẽ sống trong tình trạng nghèo cùng cực và 84 triệu trẻ em thậm chí sẽ không được học tiểu học vào năm 2030 – và sẽ phải mất 286 năm để đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Minh Đức (Theo LBC, Euronews)