Trong khi trên thế giới các quốc gia có nền điện ảnh phát triển đang dần hoàn thiện hệ thống trường quay tập trung với quy mô hoành tráng thì điện ảnh Việt Nam mới bắt đầu có những bước đi chập chững để giải quyết nhu cầu thiếu thốn trường quay. Một trong những bước đi ấy là rót vốn vào các trường quay... mini. Với việc tự cung, tự cấp các nhà làm phim liệu có đập tan được cơn khát trường quay cho chính mình?.
Đa số các trường quay tư nhân hiện nay chỉ phù hợp với các chương trình gameshow, ca nhạc, quảng cáo
Lượng nhiều chất chẳng bao nhiêu
Đại đa số giới điện ảnh đang loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi bao giờ cho hết thiếu trường quay thì các nhà làm phim tư nhân đã mạnh dạn chuyển hướng sang tự xây dựng để phục vụ chính mình. Nhờ bước xoay chuyển kịp thời này mà các nhà làm phim tư nhân đang cứu cho phim Việt thoát khỏi cảnh chết yểu vì nỗi đau đáu thiếu thốn trường quay.
Một số trường quay tư nhân thường là nơi lui đến của các đoàn làm phim như: Hãng phim Vifa, phim trường BHD, trường quay hãng phim Chánh Phương, Giải phóng, trường quay Focus 300 của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, trường quay MPH, phim trường Hãng Vision 21. Tùy theo mức độ kinh phí mà có sự đầu tư khác nhau về quy mô, kỹ thuật, địa điểm xây dựng; các trường quay được thai nghén trên tinh thần liệu cơm gắp mắm.
Trường quay tư nhân được đánh giá là hoành tráng trong làng phim Việt phải kể đến là trường quay Focus 300 của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải tại địa chỉ số 300 Phú Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Ngay từ khi ra đời, Focus 300 được hứa hẹn là trường quay tư nhân quy mô và hoành tráng nhất nước lúc bấy giờ, hoàn toàn đạt tiêu chuẩn Hollywood. Toàn bộ trường quay có tổng diện tích 700m2 với hệ thống sản xuất khép kín, ánh sáng và âm thanh đồng bộ từ A đến Z, nhập khẩu từ nước ngoài. Nhờ đó các nhà làm phim Việt Nam có thể thực hiện khâu tiền kỳ, hậu kỳ ngay tại đây mà không cần phải mang ra nước ngoài.
Giám đốc điều hành của Focus 300 - nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cho biết: "Toàn bộ trang thiết bị ở Focus đều được nhập từ Hollywood như: Máy quay dưới nước, máy quay xuyên gầm ô tô... giải quyết được nhu cầu phim trường, lại tiết kiệm được một phần chi phí cho nhà làm phim".
Còn nghệ sỹ Phước Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang từng cho rằng, việc đầu tư xây dựng các phim trường tư nhân là điều hết sức cần thiết và cần được quan tâm: "Điện ảnh là hàng hóa đặc biệt, rất cần được đầu tư về hạ tầng. Về phim trường, hãng phim chúng tôi hay BHD, Galaxy dư sức đầu tư. Chúng tôi rất cần nhà nước dành cho các hãng phim cơ sở hạ tầng để từ đó hình thành "khu công nghiệp văn hóa"".
Thời điểm hiện tại, hàng loạt các dự án trường quay tư nhân đang được rục rịch triển khai để đưa vào hoạt động như: Happy Land Studio (Xứ sở hạnh phúc) vừa khởi công tại Long An dự kiến đến tháng 4/2014 sẽ trình làng; dự án trường quay rộng 10.000m2 của đạo diễn - diễn viên Trần Lực đang trong giai đoạn hoàn thành cũng hứa hẹn là một trường quay tư nhân hoành tráng, tiện nghi và đủ hấp dẫn cho các nhà làm phim lựa chọn. Rầm rộ xây dựng, ồ ạt triển khai nhưng hiệu quả mà các phim trường tư nhân lại không xứng đáng với sự kỳ vọng. Phim trường tư nhân quá nhiều những ngổn ngang, thiếu thốn, eo hẹp về kinh phí đầu tư, phát triển manh mún không có sự liên kết, thì hướng đi lâu dài của phim trường Việt Nam dường như vẫn là ngõ cụt.
Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa
Theo thống kê hiện nay, chúng ta có khoảng gần 50 trường quay tư nhân lớn, nhỏ khác nhau. Nếu tính số lượng, đây là một con số không tồi cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, những gì mà các trường quay tư nhân mang lại chỉ góp phần chống đói tức thời còn thực trạng bối cảnh, phim trường Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những ngày u ám. Hàng loạt phim trường tư nhân lại rơi vào tình trạng nhỏ thừa, to thiếu, khi các nhà làm phim đều không quá mặn mà với các trường quay tư nhân do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của các trường quay tư nhân chủ yếu được xây dựng của trường quay nội, còn trường quay bối cảnh ngoài trời hầu như là không có.
Quy mô của các trường quay thì khá manh mún, nhỏ lẻ; có khi một đoàn làm phim phải kết hợp giữa hai, ba hay thậm chí là nhiều trường quay tư nhân khác nhau mới đủ bối cảnh để thực hiện. Còn công nghệ, hệ thống máy móc, kỹ thuật, không gian quá thiếu, các dụng cụ, đạo cụ, không gian phải tự túc hoàn toàn thì lựa chọn những trường quay tư nhân cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chưa kể xây ra rồi để đấy, chỉ rầm rộ được thời gian đầu rồi vắng tanh như chùa bà đanh.
Một vấn đề khác của các trường quay tư nhân là đi vào hoạt động chưa được bao lâu lại tạm dừng vì không có khách, cuối cùng rơi vào tình trạng bị vứt xó. Trước khi tiến hành xây dựng, Focus 300 được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ giúp các đoàn làm phim có nơi để thực hiện hóa các ý tưởng của các nhà làm phim. Nhưng tất cả vẫn chỉ là câu chuyện không hồi kết khi mà trường quay không thể đáp ứng được nhu cầu làm phim dài hơi!.
Khi được hỏi về tương lai của các trường quay tư nhân, liệu có thay thế được các trường quay nhà nước và có khả năng kích cầu được phim Việt hay không, một vị đạo diễn có tiếng trong làng điện ảnh cũng không khỏi bi quan: "Hiện nay Việt Nam nhiều trường quay thật đấy nhưng chất lượng và tính khả dụng lại là một điều đáng bàn vì đa số chỉ có trường quay nội. Phải có trường quay cả nội, cả ngoại hoàn chỉnh thì mới làm được trọn vẹn một bộ phim".
NSƯT Lý Thái Dũng trong một lần trả lời báo chí đã khẳng định: "Cần một không gian để phục dựng Hoàng Thành Thăng Long, một đoạn đường Trường Sơn anh hùng với rừng cây, những chiếc xe tải đạn, trận địa pháo. Những cái đó, hiện nay đầu tư có thể tốn kém nhưng tính hiệu quả cho điện ảnh, cho văn hóa về lâu dài thì rất rẻ. Ngoài sự nỗ lực chưa thành của cơ quan nhà nước trong việc tạo dựng phim trường, các hãng phim tư nhân vừa cố gắng khắc phục hoàn cảnh, vừa mơ ước và tìm cách tạo dựng phim trường - trường quay cho mình. Nhưng để có một cơ ngơi tương đối đàng hoàng cũng phải tốn hàng triệu USD, trong khi các đơn vị xã hội hóa này chưa nhận được sự đồng hành của nhà nước". |
Lê Hân
Kỳ 4: Trường quay Việt phát triển lầm đường