Có lẽ, không ở nơi nào trên thế giới lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam. Đi đến bất kỳ huyện thị nào trên dải đất hình chữ “S”, chúng ta đều có thể bắt gặp những tượng đài, nghĩa trang với dòng chữ “Tổ quốc ghi công”.
Chỉ tính hơn 30 năm chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, nước ta đã có hơn 1 triệu quân nhân ngã xuống, trong số đó có 300 nghìn quân nhân thân thể vẫn nằm ở đâu đó trên mảnh đất mà họ đã đổi bằng máu xương để có được hòa bình ngày hôm nay.
Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, hơn 300 nghìn quân nhân mất tích là hơn 300 nghìn bà mẹ, người vợ và gia đình mong mỏi đưa hài cốt các anh về với quê hương. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ tự xưng là ngoại cảm có khả năng tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt đã đi lừa đảo gia đình thân nhân liệt sĩ để trục lợi. Chỉ trong vài năm trở lại đây, số lượng các nhà ngoại cảm xuất hiện như nấm sau mưa.
Vấn đề này càng thêm nhức nhối khi thời gian gần đây hàng loạt “nhà ngoại cảm” như Cậu Thủy, Vũ Thị Hòa bị vạch mặt chiêu chôn xương động vật để làm giả hài cốt liệt sĩ. Thậm chí, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng người thuộc sự quản lý của một cơ quan nghiên cứu của nhà nước, người được biết đến với khả năng tìm mộ nổi tiếng nhất Việt Nam cũng vướng phải những nghi vấn trong việc tìm “thủ cấp” tướng Phùng Chí Kiên và sau đó là hàng loạt vụ nhầm lẫn trong việc tìm mộ. Điều này đã khiến dư luận không khỏi lo ngại cho ngại về việc ứng dụng của khả năng “ngoại cảm” vào việc tìm mộ liệt sĩ.
Cậu Thủy - nhà ngoại cảm dùng xương động vật giả mộ liệt sĩ bị bắt mới đây.
Trước tình hình ấy, gần đây nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố trên phương tiện thông tin đại chúng rằng từ nay việc tìm kiếm mộ liệt sĩ thuộc trách nhiệm của Chính phủ và chỉ dùng phương pháp khoa học. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ có nhiệm vụ thu thập, cung cấp những thông tin về những trận đánh đã diễn ra ở đâu, danh sách quân nhân thiệt mạng… Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang. Bước tiếp theo là phải xác định danh tính liệt sĩ, với những hài cốt có kèm theo di vật có thể nhận ra như bi đông nước có khắc tên, mẩu giấy trong lọ pinicilin, hay vật dụng đặc trưng mà gia đình có thể nhận ra thì không cần phải thử ADN, nhưng nếu gia đình có yêu cầu cơ quan chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm ADN để có kết quả chình xác nhất. Tuy nhiên, theo Giáo sư Y khoa Đoàn Xuân Mượu - nguyên Viện trưởng viện vaxcin Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam… người đầu tiên được Bác Hồ cử sang Liên Xô cũ để đào tạo về ngành Y thì phương pháp này cũng có những điểm hạn chế. Ông cho rằng, với những hài cốt không thể xác định danh tính thì cũng không thể xét nghiệm tất cả rồi đem so sánh với gia đình liệt sĩ vì phương pháp này sẽ hết sức tốn kém. Chính vì vậy, phương pháp định vị sinh học sẽ có tác dụng trong trường hợp này.
Phương pháp này không nhất thiết phải cần đến nhà ngoại cảm, việc này có thể sử dụng người thân trong gia đình liệt sĩ sau khi họ được huấn luyện ngắn hạn cách sử dụng thiết bị và nguyên tắc của phương pháp “Định vị sinh học”.
Giáo sư Đào Xuân Mượu giới thiệu về phương pháp định vị sinh học.
Vậy phương pháp định vị sinh học là gì? G.s Mượu cho biết: Phương pháp định vị sinh học ra đời năm 1983, được áp dụng trong y học đa chiều bởi Tiến sĩ Putsko thuộc Viện Hàn lâm y học Nga. Phương pháp này dùng quả lắc được gọi là “Định vị sinh học” để tự chuẩn đoán bệnh của cơ thể từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Quả lắc được sử dụng ở đây có hình nón, đầu chúc xuống dưới, làm bằng đồng hay một hợp kim, nặng trung bình 10 – 30g. Dây quả lắc dài 10 – 30 cm làm bằng sợi vải, sợi tơ hoặc sợi len.
Về phương pháp sử dụng được G.s Mượu hướng dẫn như sau: Cầm dây treo quả lắc bằng tay phải. Bàn tay phải hơi nắm lại và gấp ở cổ tay, giữ cho tay thật thoải mái, tự nhiên, dùng đầu ngón cái và ngón trỏ cầm dây treo quả lắc. Việc làm đúng phương pháp hay không sẽ quyết định đến tính chính xác của kết quả.
Ví dụ, trong 10 hài cốt được quy tập về nghĩa trang, cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin về danh sách những liệt sĩ này thuộc đơn vị nào, hy sinh trong trận đánh nào nhưng khi hy sinh có thể các chiến sĩ bị địch vùi, chôn tập thể hoặc không có di vật để xác định được danh tính. Trong trường hợp này, đơn vị tìm kiếm sẽ liên hệ với gia đình 10 liệt sĩ này và sau đó sẽ dùng phương pháp định vị sinh học để xác định hài cốt nào của gia đình nào.
Hành trình tìm xác của các nhà khoa học.
Phương pháp xác định như sau, người nhà liệt sĩ sẽ cầm sợi dây nối với con lắc, sau đó đưa con lắc lên trên di cốt hoặc ảnh chụp di cốt và đặt câu hỏi theo phương pháp nhị phân: có hoặc không.
Mời quý vị theo dõi video để hiểu rõ hơn về phương pháp.
Mới đây, thiếu tướng Trần Văn Minh, cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cho biết: Hiện nay, vẫn còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập.
Như vậy, nguyện vọng và nhu cầu tìm kiếm của gia đình thân nhân liệt sĩ là vô cùng lớn. Chủ trương mới đây của Nhà nước về việc tìm mộ bằng phương pháp khoa học đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Để tránh những trường hợp nhầm lẫn trong việc tìm mộ liệt sĩ do nhà ngoại cảm, thậm chí là lợi dụng “ngoại cảm” để lừa đảo thì phương pháp “Định vị sinh học” là một hướng đi tốt, nó giúp tăng khả năng trong việc xác định danh tính liệt sĩ, để từ đó sẽ đi đến bước cuối cùng là xét nghiệm ADN để có kết quả chính xác nhất.
Tuy nhiên, đây là phương pháp mới, chưa được áp dụng rộng rãi, vì vậy các cơ quan khoa học cần phải có sự nghiên cứu, thử nghiệm để xác định mức độ hiệu quả của phương pháp này mang lại. Từ đó, sẽ áp dụng vào thực tiễn trong việc tìm mộ liệt sĩ.
Đức Thuận - Ngọc Anh