Thực hư câu chuyện chưa biết ra sao nhưng nó đã làm một bộ phận giới trẻ phát cuồng.
Dân chơi đua nhau đăng ký dự tuyển
Cuộc thi được tổ chức tuyển chọn trong đó những thí sinh trúng tuyển vào vòng trong một nửa là đăng ký và tuyển chọn ở hình thức online. Để đăng ký, bạn chỉ cần hai thứ: Email và ảnh cá nhân. Như vậy, tiêu chí để dự tuyển phi hành gia quá đơn giản, không cần thông tin cụ thể, không cần qua đào tạo cũng như bằng cấp. Bạn chỉ cần có lượt bình chọn cao nhất là được đi tiếp. Chính vì điều này, rất nhiều bạn trẻ đã có những dòng status gây sốc để "câu" bình chọn. Cuộc thi tổ chức để tìm kiếm một người xứng đáng lên vũ trụ, điều đặc biệt mà ít người có cơ hội trong cuộc đời lại bị một bộ phận giới trẻ lợi dụng coi đây là một nơi để thể hiện, khẳng định bản thân một cách vô lối.
Vào trang bình chọn của cuộc thi này, tôi thật sự choáng khi thấy người dẫn đầu là một thí sinh nam tên Đức Đại Dương với dòng status: "Tôi xứng đáng du hành vào vũ trụ... vì đó là ước mơ lớn nhất của cuộc đời mà tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, kể cả cuộc sống, danh dự, nhân cách... để đánh đổi lấy". Chúng ta dễ dàng nhận thấy, câu văn của Dương lủng củng; ý tứ thể hiện rõ sự lệch lạc trong suy nghĩ là đánh đổi tất cả để đạt mục đích, vậy mà vẫn hút tới hàng nghìn lượt bình chọn.
Bay vào vũ trụ, mơ ước của rất nhiều người.
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người đưa tin, để trở thành một phi công dân sự, điều khiển các máy bay phục vụ hành khách thì phải đạt những tiêu chuẩn rất khó về sức khỏe như không mắc bất cứ một căn bệnh mãn tính nào, thị lực tốt, tiền đình tốt. Thậm chí, người dự tuyển chỉ cần một vết sẹo hay một hình xăm trên người thì cũng không đạt yêu cầu. Chưa kể đến việc phải giỏi ngoại ngữ, trải qua sự huấn luyện gian khổ tại trung tâm huấn luyện bay Việt Nam, nước ngoài một cách nghiêm khắc. Để đào tạo một phi công dân sự, Nhà nước phải đầu tư cả tỷ đồng/phi công/5năm khổ luyện... mới thành, vậy mà để thành một phi hành gia vũ trụ, chỉ cần vài điều kiện đơn thuần cho người chẳng biết gì đến khoa học hàng không, đến vũ trụ có cơ hội lên vũ trụ tìm hiểu những điều liên quan đến khoa học với mức độ vòng sơ tuyển quá giản đơn, ai cũng có thể tham gia thì thật là khó hiểu.
Chuyện lạ nữa là, hàng năm, cứ vào đợt thi đại học, bộ Quốc Phòng, các trường đại học thuộc lực lượng vũ trang tổ chức sơ tuyển, thi tuyển, tìm kiếm học sinh đủ điều kiện để đào tạo làm phi công. Song, số lượng đăng ký sơ tuyển cực ít, nếu không nói rằng, cả vài năm mới bằng được số lượng người tham gia dự tuyển làm phi hành gia vũ trụ của nhãn hàng này. Phải chăng, vì điều kiện sơ tuyển để có cơ hội làm phi công lái máy bay dân sự quá khó đối với bạn trẻ nên họ không dám đùa với lửa. Còn với đợt dự tuyển này, chẳng qua chỉ là một cuộc dạo chơi nên họ thử để lấy danh?
Điều đặc biệt nữa, theo tìm hiểu của PV, có rất nhiều thành viên đang trong tình trạng không học tập, không việc làm cố định. Họ là dân chơi? Họ "thừa thời gian" nên thích du ngoạn... Ngoài ra, tìm rất lâu mới thấy một vài đường link mà chủ nhân đăng ký với từ ngữ nghiêm túc và chỉn chu.
Rảnh quá mới “vào vũ trụ”?
Trung tướng Phạm Tuân (người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ) cho biết: "Cảm giác trên máy bay vũ trụ chắc chắn là cảm giác rất tuyệt vời cho những ai ưa thử thách và chinh phục. Cảm giác đó không khác gì việc được ngồi trên tên lửa bay vào vũ trụ. Các bạn sẽ trải nghiệm khoảnh khắc bị lực đè rất nặng vào cơ thể, cảm giác không trọng lượng trong suốt chuyến bay. Ngồi trên độ cao hơn 100 km ngắm trái đất hình cầu sẽ là những khoảnh khắc khó quên". Ý kiến này hoàn toàn đúng vì bay vào vũ trụ thực sự là điều không phải ai cũng được trải qua, chắc hẳn nó sẽ rất đặc biệt. Nhưng sự đơn giản trong khâu tuyển chọn khiến cho quá nhiều thí sinh coi đây là trò đùa, cứ đăng ký... thử xem sao.
Lần mò vào các diễn đàn các trang mạng xã hội, mới biết ngoài những bạn trẻ a dua theo trào lưu này, có khá nhiều bạn có ý kiến khác. Bạn có nickname Kizz Aphophis chia sẻ trên một diễn đàn sinh viên: "Chưa thấy có gì gọi là trải nghiệm, thay vì tham gia chương trình này, mình dành thời gian đi du lịch còn sướng hơn!", ý kiến này nhận được nhiều sự phản hồi trái chiều. Chưa hiểu thực hư thế nào, tôi tìm đến một cô bạn cũng đăng ký tham gia cuộc thi này. Khi được hỏi lý do tham gia thì cô nói: "Cắn" thuốc cũng bay nhưng chỉ là dưới đất thôi, thử đăng ký xem biết đâu trúng tuyển lại được bay trên vũ trụ hẳn hoi, chắc chắn là "phê" hơn nhiều.
Một lý do quá bất ngờ khiến tôi suy nghĩ lại về chia sẻ của nickname Kizz Aphophis là dường như giới trẻ hiện nay đã quá chán những cuộc chơi bình thường, họ không có việc gì để làm nên nghĩ ra đủ trò tiêu khiển. Bỏ qua việc đây có phải một chiêu quảng bá của nhãn hàng hay không. Dễ thấy một điều, con số 6 nghìn người tham gia không phải nhiều, nhưng cũng không phải ít. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự lôi cuốn của nó và tiêu chí tuyển chọn sơ khảo dễ dàng, ai cũng có thể tham gia.
Sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Loan cho biết: Ở đây có một sự phản chức năng, khi mà cuộc thi tổ chức ra với những tiêu chí không hợp lý. Bên cạnh việc người tổ chức tìm kiếm được người thắng cuộc theo mục đích của họ, thì hệ lụy không mong muốn là những người trẻ lại quá cuồng cuộc thi, sẵn sàng đánh đổi tất cả để trúng tuyển. Đây là một sự sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức của giới trẻ. |
Phương Linh