Ngày 19/5, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, liên quan đến cặp hổ mang chúa bắt được tại núi Cấm, tỉnh đã liên hệ với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã cử chuyên gia nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm môi trường sinh thái phù hợp thả về lại tự nhiên.
Theo ông Thư, cặp rắn hổ mang chúa thuộc nhóm quý hiếm 1B nên chỉ có một cách xử lý duy nhất là thả về tự nhiên, nơi đủ các điều kiện cho loài này sinh sống và tự kiếm ăn trong môi trường hoang dã. Tỉnh sẽ bàn giao cặp rắn này lại cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và sẽ do nơi đây quyết định.
Nếu sức khoẻ cặp rắn đủ điều kiện thì cần phải thả ngay, còn chưa thì phải giữ lại chăm sóc. Có thể đưa cặp rắn về trung tâm nơi đủ điều kiện chăm sóc hoặc tiếp tục để nơi doanh nghiệp đang nuôi nhốt và có cán bộ, chuyên gia chăm sóc cho đến khi đủ điều kiện sức khỏe thả lại về môi trường tự nhiên.
“Về môi trường sinh thái thả cặp rắn này cần xem xét đủ các điều kiện như, trong quá khứ và hiện tại phải có loài này sinh sống. Nơi mà bắt được cặp rắn là ở núi Cấm, tỉnh cũng kiến nghị và có mong muốn thả cặp rắn này về nơi đã bắt. Tuy nhiên, việc thả rắn về tự nhiên phải cân nhắc điều kiện thả, bởi đây là loài nguy hiểm cho con người. Sau khi cặp rắn này bị bắt, nuôi nhốt trong thời gian vừa qua sẽ tạo khuynh hướng tự vệ, biết đâu khi thả về tự nhiên rắn sẽ hung dữ”, vị lãnh đạo tỉnh An Giang nói.
Như tin đã đưa, trước đó, trong lúc nhóm công nhân đang thi công công trình dưới chân núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) bất ngờ phát hiện cặp rắn trên nên dùng lưới và bao bố vây bắt.
Theo quan sát, trên mình 2 con rắn hổ mây có vân như mây. Hầu hết thân màu vàng nhạt, có khoang trắng ngắt quãng. Tổng trọng lượng cặp rắn khoảng 60 kg, với chiều từ 6 - 7m/con.