Trước đó, trên địa bàn xã Quảng Phú và Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xảy ra hiện tượng cá trắm cỏ nuôi lồng bị chết khiến người dân hết sức lo lắng.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với địa phương lấy mẫu nước đo các yếu tố môi trường.
Đồng thời, phối hợp với Khoa Thủy sản – Đại học Nông lâm Huế lấy mẫu cá chết tại hiện trường và phát hiện dấu hiệu bệnh lý như: Mang xuất hiện các vùng mất sắc tố có màu xám vàng, các phiến mang sưng và dính vào nhau, kết dính ở biểu mô mang, hoại tử các phiến mang…
Kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm cho thấy, cá trắm cỏ nuôi lồng tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bị chết do nhiễm tác nhân gây bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.
Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, bệnh này khá nghiêm trọng và chưa có thuốc để trị dứt điểm. Vì vậy, bà con phải loại bỏ ngay các con cá bị bệnh trong lồng; Tăng cường cung cấp ô-xy cho lồng nuôi bằng cách bố trí hệ thống sục khí hoặc các thiết bị bơm đảo nước tạo dòng chảy để tăng cường hàm lượng oxy. Bên cạnh đó, không để thức ăn quá dư thừa làm ô nhiễm môi trường bằng cách quản lý cho ăn và chăm sóc như giảm khẩu phần cho ăn hàng ngày, bổ sung vitamin C liều lượng 30mg/kg thức ăn, luyện và chuyển dần việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp để tăng cường sức đề kháng; Sử dụng hóa chất để kiểm soát dịch bệnh bằng phương pháp ngâm và treo túi thuốc trị nấm: Pronopol theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Lê Kông