Từ khoảng 7-8 năm trở lại đây, gia đình anh Vũ Đức Huế, trú tại thôn 7, xã Hợp Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã trồng quất cảnh phục vụ Tết Nguyên đán và rất có uy tín với thương lái. Năm nay vườn nhà anh rất đẹp, những trái quất mọng nước đang vào độ chín, lúc lỉu từ cành đến ngọn.
Thương lái về đặt mua với giá cao, vợ chồng anh mừng lắm, tính lấy tiền bán quất để tiêu Tết, đóng tiền học cho con. Đáng tiếc, dự định ấy chẳng bao giờ thực hiện được bởi lợi dụng đêm tối, một người hàng xóm đã phun thuốc diệt cỏ, làm chết khéo hơn 100 gốc quất cảnh trong vườn nhà anh. Sau khi đầu thú, người này khai nhận nguyên nhân gây án là do mâu thuẫn cá nhân, cho rằng gia đình nạn nhân cản trở cuộc sống của mình.
Sự việc còn chưa lắng xuống lại hay tin vườn đào Thục Sinh tại TP.Bắc Ninh, với hơn 70 gốc đào vừa bị phá hoại chỉ sau một đêm. Nhiều cây bị chặt tận gốc, phạt cụt ngọn, ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Đến nay, thủ phạm chặt phá vườn đào vẫn là ẩn số; chủ vườn đào cũng không khoanh vùng được kẻ gian bởi gia đình “sống hiền lành, không có thù hằn với ai.”
Lật lại quá khứ, ta có thể tìm được rất nhiều vụ phá hoại tương tự và không ít thủ phạm trong số đó là người quen biết, hàng xóm thân cận.
Cũng vì quen, cũng vì gần nên càng dễ nảy sinh mâu thuẫn, ganh ghét, thù hận. Dường như chủ nghĩa cá nhân, thói đố kỵ cùng sự phân hóa giàu nghèo đang dần làm xa cách những mối quan hệ lẽ ra phải bền chặt, khăng khít. Từ niềm nở thành hời hợt, từ nóng nảy thành dại dột, nhiều người tìm cách “hơn thua” bằng hành động phản cảm, trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến bao giờ họ mới chịu hiểu ra cần phải thêm dầu để ngọn đèn lay lắt nhà mình sáng lên, thay vì nhọc lòng nghĩ chiêu thổi tắt đèn nhà hàng xóm?
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả