Các nhà nghiên cứu thường nhắc tới con số khoảng 30 đến 60 triệu “bé gái mất tích” ở Trung Quốc để nói về những đứa trẻ bị giết từ trong bào thai hay vừa được sinh ra, do tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất nước này cùng với chính sách một con hà khắc của chính phủ đã tồn tại hàng thập kỷ nay.
Tuy nhiên, các chyên gia đến từ Mỹ và Trung Quốc mới đây công bố có thể họ đã “tìm thấy” nhiều hoặc hầu hết các “bé gái mất tích” kể trên, và cho rằng có thể số trẻ em đó không hoàn toàn bị giết chết.
Phó giáo sư John Kennedy từ Đại học Kansas và Shi Yaojiang từ Đại học Sư phạm Thiểm Tây đã công bố một kết quả nghiên cứu khẳng định rằng việc các bé gái “biến mất” có thể lý giải một các đơn giản rằng chúng không được đăng ký khai sinh.
“Người ta nghĩ rằng 30 triệu bé gái đang biến mất khỏi cơ cấu dân số. Đó là con số lớn bằng lượng người sống ở bang California (Mỹ), và họ nghĩ rằng chúng đã biến mất”, Phó giáo sư nghiên cứu chính trị học Kennedy viết trên website của trường Kansas.
“Hầu hết mọi người đang giải thích vấn đề thông qua nhân khẩu học, nói rằng phá thai hay nạn giết trẻ sơ sinh là lý do những đứa trẻ không bao giờ xuất hiện trong các cuộc tổng điều tra dân số và chúng không thực sự tồn tại. Nhưng chúng tôi đã tìm ra một cách giải thích khác”, website trên viết thêm.
Các quan chức địa phương ở những vùng sâu vùng xa cũng thường che giấu hành vi không khai báo khai sinh để duy trì ổn định xã hội cũng như nhận được sự ủng hộ của dân làng.
Theo giải thích của Phó giáo sư, không có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào giữa dân làng và người dân nói rằng “chúng ta đều đồng ý với nhau”, mà đó chỉ là thỏa thuận ngầm diễn ra trong địa bàn thôn, xã.
“Các quan chức địa phương là những người phải thi hành chính sách một con, nhưng họ chỉ làm việc đó một cách tương đối. Bởi họ là cán bộ, nhưng cũng là dân làng, và họ phải sống ở ngôi làng nơi phải thực thi các chính sách của chính phủ”, Phó giáo sư nói.
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã chính thức bãi bỏ chính sách một con sau hơn 3 thập kỷ áp dụng. Điều đó có nghĩa là mỗi gia đình ở đất nước đông dân nhất thế giới này được phép sinh 2 con.
Tuy nhiên, phần lớn xã hội Trung Quốc vẫn lo ngại về những tác động của tỉ lệ cân bằng giới tính tới phát triển xã hội khi số nam giới lớn hơn nữ giới rất nhiều. Nhưng việc “tìm thấy” hàng triệu bé gái “mất tích” lần này cũng phần nào giúp giảm bớt tâm lý lo ngại trên.
“Nếu 30 triệu nữ giới thực sự mất tích, những người đàn ông trưởng thành sẽ vô cùng khó khăn để tìm được một cô vợ khi đến tuổi kết hôn. Không có gì gây ra sự bất ổn định trong xã hội hơn việc có quá nhiều đàn ông”, giáo sư Kennedy nhấn mạnh.
Hai nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện ra lý thuyết này khi họ phỏng vấn một người dân ở ngôi làng tại tỉnh Thiểm Tây, phía bắc Trung Quốc, vào năm 1996. Người đàn ông được phỏng vấn có 2 cô con gái và 1 cậu con trai, tuy nhiên, ông cho biết đứa con gái út của ông không hề tồn tại trên các giấy tờ.
Từ những năm 1980, ở ngôi làng này, người dân được phép sinh con thứ hai nếu con đầu là con gái.
Sau nhiều cuộc phỏng vấn tương tự trên quy mô lớn hơn, các nhà nghiên cứu đã so sánh số lượng trẻ em được sinh ra vào năm 1990 với số lượng nam giới và nữ giới 20 tuổi vào năm 2010.
Kết quả cho thấy, họ phát hiện thêm 4 triệu người, và trong đó số lượng phụ nữ nhiều hơn nam giới 1 triệu người.
“Nếu chúng ta tiếp tục khảo sát và so sánh tương tự trong vòng 25 năm, có thể sẽ có 25 triệu phụ nữ chưa từng được thống kê trong dữ liệu dân số”, ông Kennedy nói.
Chính sách một con của Trung Quốc đã gây ra sự mất cân bằng trong cơ cấu dân số. Trong cuộc tổng điều tra năm 2010, tỉ lệ giới tính là 118 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới là 105 bé trai mỗi 100 bé gái.
Xem thêm: Trung Quốc phản ứng vụ Philippines bắt giữ 1200 công dân đánh bạc
Danh Tuyên