Theo nghiên cứu được công bố trên Science Advances, số trang sức là những hạt vỏ ốc biển thời tiền sử, được cất giữ trong một hang động nơi con người cổ đại từng trú ngụ.
Cụ thể, nhà nhân chủng học, Tiến sĩ Steven Kuhn của Đại học Arizona phối hợp cùng các nhà nghiên cứu từ Viện Di sản và Khoa học Khảo cổ học Quốc gia Morocco, đã mở ra các cuộc khai quật từ năm 2014 đến 2018 tại hang Bizmoune, cách bờ Đại Tây Dương 16km.
Họ tìm thấy tổng cộng 33 hạt cườm bằng vỏ ốc, kích thước khá đều nhau (hơn 1cm), tất cả đều được khoét ở tâm cho thấy chúng được dùng để xâu thành những chiếc vòng tay hay vòng cổ.
Những hạt vỏ ốc này được xác định có niên đại 142.000 - 150.000 năm, là những món đồ được nhận định lâu đời nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Một số hạt vỏ ốc được chế tác tương tự từng được tìm thấy tại các cuộc khai quật khảo cổ khác ở miền Bắc và miền Nam châu Phi. Nhưng những hạt cổ nhất được tìm thấy trước đây chỉ có niên đại khoảng 130.000 năm.
Chủ nhân của kho trang sức tại hang Bizmoune được xác định là tổ tiên trực tiếp của chúng ta - người tinh khôn Homo sapiens. Cụ thể họ thuộc một lớp người gọi là Aterian, là những con người đầu tiên đã phát triển khả năng chế tạo vũ khí và công cụ đá một cách vượt bậc so với thế hệ trước, sống bằng cách săn bắn các động vật ăn cỏ lớn ở Bắc Phi và khai thác tài nguyên biển.
Theo Tiến sĩ Steven Kuhn, người đứng đầu nghiên cứu, đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng, cho thấy các đặc tính của con người cổ đại. Việc dùng trang sức của họ cũng giống chúng ta ngày nay: Để trở nên đẹp hơn khi đi ra ngoài. Điều này cho thấy họ rất quan tâm đến việc giao tiếp với những cộng đồng lớn hơn, ngoài gia đình và bạn bè thân thiết.
Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng trang sức hạt được người Aterian sử dụng như bảng tên hoặc huy hiệu nhận dạng. Người Aterian dùng trang sức hạt khi muốn phân biệt các cá nhân, gia đình, thị tộc hoặc làng mạc.
Minh Hoa (t/h)