Theo Heritage Daily, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Khảo cổ học dưới nước châu Âu (IEASM) đã phát hiện ra xác một con tàu cổ ở thành phố huyền thoại Heracleion, còn có tên là Thonis.
Thonis là một thành phố Ai Cập cổ đại, hình thành vào khoảng thế kỷ thứ VIII TCN. Nó nằm bên cửa sông Nile, gần với thành phố cảng Alexandria nổi tiếng và là trung tâm thương mại, hàng hải sầm uất của đế chế Ai Cập. Cái tên “Thonis” được gọi bởi cư dân Ai Cập, trong khi người Hy Lạp dùng "Heracleion" để chỉ nó.
Thành phố phát triển mạnh mẽ vào thời điểm nhiều người Hy Lạp đến Ai Cập và mang theo truyền thống văn hóa của họ. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, động đất, sóng thần, nước biển dâng và đất hóa lỏng đã nuốt chửng đô thị trù phú Thonis cùng nhiều khu dân cư lân cận. Hiện nay Thonis huyền thoại nằm dưới Vịnh Abi Quir (Ai Cập).
Con “tàu ma” mới phát hiện được chôn vùi tình cờ ngay giữa lòng thành phố cổ Thonis. Các chuyên gia tin rằng thời điểm thảm họa xảy ra, con tàu đang cập cảng gần đền thờ Amun, bị va vào đá khi ngôi đền sụp đổ. Kết quả, nó bị chôn vùi dưới "mộ phần" vững chắc làm bằng đá từ ngôi đền và đất sét cứng. Cũng chính vì thế mà con tàu cao 25 mét này giữ được tình trạng nguyên vẹn đến đáng kinh ngạc.
"Tàu ma" được tìm thấy dưới 5m đất sét và các khối đá. Người ta đã phải sử dụng công nghệ sonar (kỹ thuật định vị bằng sóng âm) tinh vi để tìm thấy con tàu này. Đó là dạng tàu nổi tiếng từng ngang dọc khắp sông Nile cổ đại, thường dùng buồm hoặc chèo bằng sức người, có đáy phẳng. Con tàu được chế tạo bằng kỹ thuật ghép mộng, trong đó những miếng gỗ có phần nhô ra được đặt khớp vào những miếng gỗ có phần khoét sẵn. Kết quả là một con tàu được hoàn thiện bằng các đoạn gỗ lồng vào nhau như một trò chơi ghép hình.
Đây là dạng tàu mà các thương nhân Hy Lạp đã mang tới Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên không rõ chiếc tàu chở hàng gì khi nó bị chìm.
Tại địa điểm của thành phố chìm này, các nhà khảo cổ cũng khám phá ra một khu chôn cất được sử dụng cách đây 2.400 năm. Nhóm nghiên cứu tìm thấy đồ gốm được trang trí công phu, trong đó có một mảnh dường như có hình ảnh những con sóng được vẽ trên đó.
Họ còn phát hiện một bùa hộ mệnh bằng vàng mô tả Bes, vị thần trong tôn giáo Ai Cập cổ đại gắn liền với việc sinh con và khả năng sinh sản. Người Ai Cập cổ đại đôi khi sử dụng hình ảnh của vị thần này để bảo vệ phụ nữ sinh con và trẻ nhỏ.
Những phát hiện quý giá trên đã góp phần giúp chúng ta hình dung ra bức tranh giao thương đặc sắc giữa Hy Lạp và Ai Cập cổ đại.
Minh Hoa (t/h)