Trong cuộc họp báo vào chiều 25/4, tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết: "Tàu ngầm KRI Nanggala bị vỡ thành 3 mảnh lớn. Toàn bộ 53 người trên tàu đã thiệt mạng".
Tàu ngầm KRI Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h ngày 21/4 để xin phép lặn xuống biển, sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30 phút. Trên tàu có 53 người, bao gồm 49 thủy thủ, 1 chỉ huy và 3 chuyên gia vũ khí.
Tàu KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn được chế tạo tại Đức vào năm 1977 và gia nhập hạm đội Indonesia vào năm 1981.
Hy vọng giải cứu 53 người trên tàu ngầm tiêu tan khi lượng oxy dự trữ của nó được cho là cạn kiệt vào sáng 24/4.
Giới chức chưa đưa ra lý giải chính xác về nguyên nhân sự cố, nhưng cho rằng tàu ngầm có thể bị mất điện, khiến thủy thủ đoàn không thể đưa tàu nổi lên.
Tướng Tjahjanto cho biết không có vụ nổ nào xảy ra trong quá trình tàu chìm.
Khoảng 40 quốc gia trên thế giới có hạm đội tàu ngầm, nhưng chỉ có một số quốc gia có khả năng cứu hộ tàu ngầm.
Khi tàu ngầm được tìm thấy, tàu cứu hộ MV Swift Rescue của Singapore có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình. Con tàu có thể hoạt động trên biển 4 tuần trước khi cần phải tiếp nhiên liệu. Trên tàu có cabin cứu hộ tên Deep Search and Rescue Six (DSAR 6).
Theo trang tin hải quân Naval Technology, DSAR 6 dài 9,6m có thể đạt độ sâu 500m. Nó được vận hành bởi hai thành viên thủy thủ đoàn và có thể chứa tối đa 17 người.
Singapore và Indonesia đã kí thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm vào năm 2012. Thỏa thuận cho phép 2 nước gửi nguồn lực và giúp đỡ lẫn nhau nếu tàu ngầm của họ gặp nạn.
Thành viên Ủy ban I (giám sát đối ngoại, tình báo và quân sự) thuộc hạ viện Indonesia, ông TB Hasanuddin nghi ngờ rằng tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm hôm 21/4 do quá trình sửa chữa vào năm 2012 không thành công.
Trong một tuyên bố ngày 25/4, ông Hasanuddin cho rằng một số phần sửa chữa đã không được thực hiện đúng quy cách khiến tàu KRI Nanggala 402 bị chìm và đây là điều rất đáng tiếc. Ông Hasanuddin lưu ý rằng tàu ngầm trên đã được sửa chữa và nâng cấp vào năm 2012 với ngân sách khoảng 75 triệu USD.
Không chỉ thay thế phụ tùng, tàu KRI Nanggala 402 còn được thay đổi về cấu trúc, nhất là ở hệ thống phóng ngư lôi. Sau vụ việc này, một đội chuyên gia từ Hàn Quốc đã có mặt để sửa chữa con tàu.
Ông Hasanuddin yêu cầu Quân đội và Hải quân Indonesia ngừng sử dụng các tàu ngầm cùng loại, như tàu ngầm KRI Cakra 401 để tránh gây thêm thương vong cho các binh sỹ.
Thanh Minh (Nguồn Tiền Phong/Dân Trí/TTXVN)