Món bánh dân dã gói cả mùi Tết, màu Tết
Cứ từ rằm tháng Chạp, ở một góc chợ Phước Thái (còn gọi là chợ Bình Tân) tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại rộn ràng những lò đúc bánh thuẫn. Ngồi bên bếp than nóng, chị Lê Thị Đào đang đúc những chiếc bánh thuẫn vàng rộm, thơm lừng. Những ngày giáp Tết, sau khi công trình nghỉ việc, chị lại ra đây ngồi đúc bánh thuẫn bán. Từ ngày về làm dâu được mẹ chồng truyền nghề, chị vẫn duy trì công việc này suốt 17 năm qua.
Bánh thuẫn được làm từ bột khoai hạ (còn gọi là bột bình tinh) kết hợp với trứng, đường. Trứng dùng làm bánh thuẫn thường là trứng vịt. Để bánh không bị tanh, chị Đào cho gừng, vani vào bột theo công thức và kinh nghiệm riêng của gia đình. Cứ trung bình một ký bột sẽ đúc được 120 chiếc bánh thuẫn. 5h sáng đã dọn hàng ra và 5h chiều chị mới dọn hàng về, nếu nhanh tay mỗi ngày chị đúc hơn 10kg bột.
Giữa phố đông người, lò bánh của chị nằm lọt thỏm ở một góc nhỏ, nhưng cũng đủ khiến bao người tìm đến. Chợ đông người nhưng đứng cuối chiều gió vẫn nghe được mùi thơm của bánh. Mùi thơm mà với những người lớn lên từ làng đều chẳng thể nào quên được. Và giờ đây, nơi góc phố này, họ được tận mắt nhìn thấy những mẻ bánh thuẫn vàng rộm khiến bao kỷ niệm tuổi thơ của Tết xưa chợt ùa về. Chỉ với món bánh dân dã này thôi cũng đã gói ghém cả mùi Tết, màu Tết.
Mỗi năm một mùa bánh thuẫn
Cách đó không xa là lò bánh của mẹ chồng và em chồng chị Lê Thị Đào. Nghề bánh đã được gia đình truyền lại qua nhiều thế hệ. Dù đã 78 tuổi nhưng bà Võ Thị Đào vẫn miệt mài đúc những chiếc bánh thuẫn bên phố đông người. Gần 40 năm làm bánh thuẫn, với kinh nghiệm và bí quyết của riêng mình, bà không chỉ làm bánh bằng trứng vịt mà còn nhận làm bánh với trứng gà ta theo yêu cầu của khách hàng.
Khách của bà từ già đến trẻ đều yêu thích món bánh dân giã này. “Những năm trước, mỗi khi gần Tết là người quen lại đặt bánh gửi đi nước ngoài rất nhiều. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh số lượng tuy có giảm nhưng vẫn có khoảng 3 người đặt bánh của tôi để gửi đi Mỹ. Mỗi người đặt mấy triệu tiền bánh, tôi làm rồi sấy và đóng hàng gửi đi. Có người thích ăn bánh của mình làm là vui lắm” – bà Đào chia sẻ.
Sau khi khuôn được làm nóng trên bếp than hồng, người làm bánh thoa một lớp dầu ăn, cho bột vào khuôn, đậy nắp và chờ đợi bánh chín. Lửa trên, lửa dưới, khuôn bánh ở giữa. Bột cho vào khuôn khoảng 10 phút sau có được những chiếc bánh thuẫn ngon. Công việc tưởng chừng như đơn giản này nhưng lại rất nhọc công và đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Suốt 12 tiếng đồng hồ, những người bán bánh phải ngồi bên bếp lò để đúc từng chiếc bánh.
Chị Lê Thị Đào cho biết: “Nhìn tưởng dễ nhưng đúc bánh thuẫn khó và cực công. Nếu lửa yếu thì bánh không nở bung và vàng, nếu lửa lớn bánh sẽ cháy. Vì vậy, phải dựa vào kinh nghiệm và sự quen tay của mỗi người để đúc được chiếc bánh thuẫn vừa nở vừa mềm, xốp mà lại ngon”.
Theo mẹ học nghề và làm bánh thuẫn hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Minh Quang (con trai bà Đào) cho biết một bí quyết nữa để có chiếc bánh thuẫn ngon là phải biết cách đánh cho dậy bột. Một chiếc bánh đạt là các cạnh phải nở xòe ra như một bông hoa.
Bánh thuẫn thường chỉ bán vào dịp Tết. Những năm trước, chị Đào phải đúc 2 lò bánh mới đủ bán, thế nhưng năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng chỉ còn một nửa. “Năm nay, tôi bán không bằng những năm trước. Tùy theo ngày, tôi bán được từ 1 đến gần 2 triệu đồng tiền bánh, nhiều nhất là những ngày đưa ông Táo về trời. Trừ chi phí mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng” - chị Lê Thị Đào cho biết.
Để kiếm được mấy trăm ngàn đồng tiền lời ấy, người làm bánh phải ngồi suốt 12 tiếng đồng hồ ngồi bên bếp lửa, vừa cực vừa nóng. Tuy công việc thời vụ này chỉ làm khoảng nửa tháng nhưng cũng giúp các gia đình có thêm thu nhập trong những ngày giáp Tết. Và cứ thế, năm nào cũng vậy, những lò bánh thuẫn lại bắt đầu đỏ lửa từ giữa tháng Chạp đến tận 30 Tết để phục vụ nhu cầu của người mua.
Mỗi gói bánh có 12 cái được bán với giá 25.000 đồng. Món bánh dễ ăn mà giá cả phải chăng nên có rất nhiều người tìm đến mua. Và cũng chỉ trong mùa Tết họ mới được thưởng thức những chiếc bánh này khi vừa ra lò. Năm nay, chi phí nguyên liệu từ bột, trứng, đường đều tăng giá nhưng giá bánh bán ra vẫn không đổi.
Với những đứa trẻ lớn lên ở phố, bánh kẹo chẳng thiếu nhưng có lẽ chỉ đến Tết mới được ăn bánh thuẫn ngon vì lạ miệng. Bánh vừa thơm vừa mềm, hương vị chẳng dễ tìm thấy ở những loại bánh khác. Còn với những người đã đi qua hàng chục mùa Tết, những ngày cuối năm giữa phố chợt thấy màu vàng rộm, nghe mùi thơm của bánh thuẫn lại nôn nao nhớ về quê nhà, nhớ những ngày Tết sum vầy cùng gia đình.
Clip: Tìm về ký ức Tết xưa với món bánh thuẫn vàng rộm
Châu Tường