> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Đi xuất khẩu lao động… miễn phí
Ngày 28/3/2013, báo Người đưa tin nhận được lá đơn tố cáo của gia đình chị Ngô Thị Loan (SN 1971) trú tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), về một đường dây môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã lừa con gái chị và một số cô gái khác sang Angola để làm "gái bán dâm". Điều đau lòng là "mắt xích" quan trọng trong đường dây môi giới đưa con gái chị đi XKLĐ trá hình đó lại chính là người bạn thân thiết gắn bó hơn chục năm, mà theo như chị Loan nói là thân đến mức "bát cơm cũng sẻ đôi" với gia đình chị.
Trong căn nhà tuềnh toàng vừa mới xây cất, một bà lão đã sắp bước qua ngưỡng tuổi "bách tuế" mon men theo tường đi ra chào chúng tôi, theo sau là một em gái với khuôn mặt còn mang vẻ buồn bã bước ra. Cô gái đó là em Trương Thị Thanh Th. (SN 1993) là sinh viên năm 2 của trường cao đẳng Nghề Việt - Đức, em là nạn nhân vừa thoát ra khỏi "động quỷ" nơi đất khách quê người.
Mẹ con chị Loan và em Th. đang kể lại câu chuyện cho PV nghe. Ảnh Điệp Văn
Th. may mắn hơn biết bao nhiêu cô gái khác bị bán vào động quỷ, được giải cứu trở về gia đình. Nhưng chỉ hơn chục ngày lang thang bên xứ người, em từ một cô sinh viên xinh xắn, mập mạp, tươi tắn, hoạt bát đã trở thành một cô gái gầy gò xanh xao, có vẻ trầm tính, ít nói. Khi chúng tôi bước vào nhà Th. tỏ ra sợ sệt, người co rúm sau bức tường với ánh mắt lo sợ. Phải mất công lắm mẹ em mới dẫn em ra trò chuyện với chúng tôi.
Sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em, Th. là con thứ ba trong nhà, với đồng lương ba cọc ba đồng của một công nhân nhà máy gạch, anh Trương Xuân Lộc (1963), phải một mình vất vả gánh vác cả một gia đình với sáu miệng ăn và người mẹ già đã bước qua tuổi 95. Vì vậy, dù đang là sinh viên năm 2, thế nhưng Th. đã luôn mong muốn có thể giúp đỡ bố mẹ gánh vác gia đình và chăm sóc bà nội tốt hơn. Biết được mong muốn của chị Loan và con gái, chị Đào Thị Lệ Xuân (SN 1971), người bạn thân thiết nhất của gia đình đã mở đường cho chị bằng cách thuyết phục cháu Th. đi sang Angola làm thuê cho một gia đình người Việt mà Xuân quen thân.
Sau một thời gian dài nghe bạn thân khuyên nhủ, chị Loan cũng quyết định cùng Xuân đưa Th. đến quán cà phê Hằng Nga ở đường Nguyễn Huy Tự (TP. Hà Tĩnh) để gặp vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Xuyến (SN 1963) trú tại ngã ba Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bởi theo lời Xuân thì cả bốn người con của vợ chồng ông Sơn, bà Xuyến đều làm ăn sinh sống ở Angola đã nhiều năm nay. Nếu Th. quyết định sang Angola là làm việc thì em sẽ làm việc ở cửa hàng ăn uống của chị Nguyễn Thị Hương, con gái của bà Xuyến.
Đang kể lại sự việc, chị Loan ngậm ngùi khóc quay sang nhìn con gái và bảo: "Vốn tôi cũng chẳng định cho cháu đi đâu, vì nó còn đang học lại vừa mới lớn, chưa va chạm xã hội nhiều, tôi sợ sang bên đó nó không quen rồi vất vả, không biết cuộc sống nơi đất khách quê người thế nào? Nhưng sau nhiều lần gia đình bà Xuyến đến, thậm chí còn mời gia đình tôi vào nhà ông bà ấy chơi và còn để cho mẹ con tôi quen với một cháu gái tên Dung trước khi sang Angola đã đến nhà chơi, sau khi sang thì thường gọi điện về nói chuyện với tôi rất tình cảm và bảo cuộc sống bên đó rất tốt nên tôi mới quyết định cho cháu đi. Ai ngờ...".
Tháng 8/2012, khoảng thời gian Th. chuẩn bị nộp học phí cho năm học mới cũng là khoảng thời gian, gia đình em đã hết sức phân vân khi đồng ý cho em bảo lưu kết quả lại để đi XKLĐ sang Angola làm cho chị Hương. Em bảo: "Lúc đó em cũng suy nghĩ rất nhiều, qua những lần cô Xuân và bà Xuyến đến thăm gia đình em, rồi mẹ con em vào nhà ông bà ấy, ở đó em đã quen Dung, người bay sang trước em một tháng. Thỉnh thoảng nó lại điện thoại về nói làm ăn bên đó rất được. Phần vì muốn đi làm để phụ giúp gia đình, cho mẹ có thời gian chăm sóc cho bà nội, phần vì nghĩ học xong ra trường tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của bố mẹ không biết rồi em có xin được việc làm hay không? Hơn nữa, cô Xuân và bà Xuyến đều bảo đi không phải lo tiền đi, chị Hương lo cho hết rồi sang bên đó làm trừ dần cũng được...".
Bản hợp đồng mà chị Loan đã ký với bà Xuyến. Ảnh Điệp Văn
Làm "gái" mà "trả nợ"
Sau khi bảo lưu kết quả tại trường, tháng 9/2012, chị Loan đưa con đi làm hộ chiếu và các thủ tục liên quan đến XKLĐ. Vẫn chưa hoàn toàn thấy yên tâm tin tưởng để con đi, ngày 20/9/2012, chị Loan quyết định làm hợp đồng với ông Sơn và bà Xuyến. Trong "bản hợp đồng tạo nguồn lao động" này có ghi rõ: Th. sang Angola "đảm nhiệm công việc phục vụ bàn" với mức lương khởi điểm là 1.000 USD/tháng, sau đó sẽ tăng dần theo thỏa thuận.
Ngày 7/3/2013, Th. cùng với mẹ là chị Loan, Xuân, bà Xuyến, ông Hải (bố chồng Hương, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) lên đường ra sân bay Nội Bài để bay sang Angola. Vào hồi 11h30' ngày 8/3/2013, Th. lên máy bay cùng bà Xuân và hai cô gái khác. Được biết, một người tên là Liên (SN 1984) trú tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và một người là Nguyễn Thị Thanh (SN 1988) trú tại Thạch Việt, Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Đến khoảng 12h30' ngày 9/3/2013, Th. và những người đi cùng đáp xuống sân bay Quatro de Fevereiro ở Luanda (Angola) và được vợ chồng Hương ra đón. Sau khi ra khỏi sân bay, bốn người được Hương đưa về một hàng ăn nhỏ ở Kamama, tại thủ đô Luanda. Đó là một hàng ăn nhỏ, chỉ có khoảng bốn đến năm chiếc bàn ăn, bên trong là năm phòng ngủ. Trong cửa hàng lúc đó ngoài việc gặp lại anh Hải (em trai Hương, người đã từng đến nhà Th. chơi khi về Việt Nam) thì còn có Dung - người sang trước Th. hơn một tháng và một ông đầu bếp kiêm bảo vệ cửa hàng.
Khi mọi người vừa bước vào bên trong cửa hàng, vốn có cảm tình với Th. từ trước nên Hải đã nhanh nhảu bảo Th. gọi điện thoại về báo tin cho gia đình, đồng thời bàn bạc xem sao vì Hải muốn Th. lên làm quán Photocoppy với mình. Bởi như lời Hải nói thì: "Em gọi điện thoại về bàn bạc với mẹ xem sao chứ ở đây thì chắc chắn là sẽ phải làm gái (gái mại dâm - PV)". Vừa nghe em trai nói dứt câu với Th., Hương ở ngoài bước vào đã lập tức mắng chửi Hải và đuổi Hải đi. Th. chưa hết bàng hoàng vì những gì mình vừa nghe từ Hải thì Hương đã vỗ tay gọi mọi người tập trung lại "họp".
Trong "cuộc họp kín" đó, Hương trao đổi thẳng thừng: "Trước khi sang đây là bay đã biết là sẽ phải làm gì rồi. Tao bỏ ra bao nhiêu tiền để lo cho bọn mày sang đây, bọn mày phải tiếp khách để kiếm tiền trả nợ cho tao. Công việc chính ở đây chủ yếu là "làm gái" còn việc hàng ăn chỉ là phụ lúc cần. Chúng mày ở đây mặt mày phải luôn tươi tỉnh, không được làm mất khách của tao nếu không tao bán sang "động" khác, làm trả tiền cho tao xong rồi muốn đi đâu thì đi!".
Khi nghe xong "lời tuyên bố" của bà chủ Hương, tất cả đều choáng váng, im lặng, sợ hãi. Ba người kia im lặng theo kiểu "chấp nhận". Riêng Th. sau một hồi choáng váng vì thông tin trái ngược với những gì mình tưởng tượng, Th. sợ hãi, kêu khóc, van xin bà Xuân và Hương cứu, nếu không Th. thà chết chứ không chịu làm cái việc đó. Sau những lời van xin bất lực, may sao trước khi đi Th. có cầm theo điện thoại nên em đã gọi điện về cho mẹ chỉ thốt lên được vài câu: "Mẹ ơi! Con bị lừa sang đây làm gái bán dâm rồi, mẹ nghĩ cách cứu con với...".
Phóng sự điều tra của Điệp Khánh Văn
Kỳ 2: Nín thở giải cứu cô gái trẻ khỏi "động quỷ" nơi xứ người