Tín đồ Bitcoin đậu chiếc xe tải vận chuyển ngay trước cửa trụ sở ngân hàng này, và đập vào mắt những người xung quanh là khẩu hiệu mà anh đã dán lên bên cạnh xe: “HÃY TỰ LÀM NGÂN HÀNG CỦA CHÍNH BẠN”, bên cạnh khẩu hiệu đó là giám đốc cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell đang cầm một tấm biển ghi dòng chữ “hãy mua Bitcoin” và logo màu cam của đồng tiền ảo này. Tài khoản twitter với tên @cryptograffiti đã đăng tải một video về sự kiện này, với tiêu đề “btc>svb” trên nền nhạc “Money” của Pink Floyd.
Sau một quãng thời gian dài 12 tháng không mấy khả quan cho ngành công nghiệp tiền ảo, những tín đồ Bitcoin cuối cùng đã có một khoảnh khắc thắng lợi, nhất là khi giá đồng tiền ảo mà họ tin tưởng đã có một cú tăng vọt đáng kinh ngạc trong tuần vừa rồi, tăng tới 30% chỉ trong 7 ngày vừa qua. Đối với họ, những âm vang từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley càng nhấn mạnh một lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống ngân hàng dự trữ một phần mà Bitcoin đã được thiết kế để lấp: hệ thống ngân hàng đó chỉ có thể hoạt động khi mọi người tin rằng tiền trong tài khoản của họ có thể được rút ra ngay lập tức khi họ cần.
Như đã được đề cập trong cuốn sách trắng về Bitcoin, hệ thống ngân hàng truyền thống này phần lớn thời gian vẫn hoạt động bình thường, nhưng nó vẫn có điểm yếu cơ bản của một mô hình ngân hàng dựa trên niềm tin. Điểm yếu này bị nhiều người lờ đi trong một thời gian dài khi lãi suất còn thấp, nhưng trong thời điểm hiện tại, điểm yếu này đang được đưa ra làm tiêu điểm.
Stephane Oullette, Giám đốc điều hành của FRNT Financial nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến môi trường lãi suất tăng vọt theo sau một thời gian dài với lãi suất siêu thấp dẫn tới một cơn đột biến rút tiền gửi hàng loạt, và đó là minh chứng hoàn hảo nhất cho tính năng của Bitcoin mà chúng ta có thể tưởng tượng được”.
Theo Bloomberg, sau một loạt các cơn sụp đổ công ty tài chính tiền ảo năm vừa rồi, bao gồm cả sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền ảo FTX và một loạt các công ty cho vay tiền ảo sụp đổ sau nó theo hiệu ứng domino, niềm tin của người tiêu dùng vào các công ty trung gian trên thị trường tiền ảo là thấp tương đương, hay thậm chí thấp hơn cả niềm tin vào ngân hàng truyền thống. Thế nhưng niềm tin vào những quy luật xung quanh quy trình tăng trưởng nguồn cung Bitcoin trên thị trường, một điểm đối lập so với những phản hồi mang tính đối phó và khó đoán trước được đến từ các ngân hàng trung ương và các chính phủ trong cơn hỗn loạn trên hệ thống ngân hàng truyền thống.
Những lo sợ, nghi ngờ và không chắc chắn vốn từ lâu được giới tài chính truyền thống hướng về tiền ảo giờ đang bước sang một bên cho một làn sóng hoàn toàn ngược lại, theo Bloomberg.
Mặc dù một loạt các sự kiện tài chính gần đây đã tái khẳng định công dụng của Bitcoin, khiến các tín đồ có một khoảnh khắc được hả hê, đây có lẽ không hoàn toàn là lý do giá đồng tiền ảo này tăng vọt trong thời gian vừa rồi. Nhiều người tin rằng giá tiền ảo tăng vọt không phải là vì nỗi lo sợ về một cơn khủng hoảng tài chính, mà là vì việc Chính phủ Mỹ phản hồi mạnh mẽ và Cục dự trữ Liên bang chi trả hàng trăm tỷ USD cho hệ thống ngân hàng truyền thống đang dần thay đổi cục diện lãi suất trong tương lai gần.
Noelle Acheson, tác giả của trang tin Crypto is Macro Now, nhận xét: “Do những lo ngại xung quanh tiền ảo, chúng ta chưa từng thấy dòng vốn đến từ các tập đoàn tài chính lớn hay lượng lớn nhà đầu tư cá nhân. Yếu tố thay đổi cục diện thị trường hiện tại là những thay đổi trong môi trường thanh khoản, thị trường đang thống nhất xung quanh những kỳ vọng về trần tăng lãi suất thấp hơn một tuần trước. Môi trường này rất lý tưởng cho các tài sản đầu tư rủi ro cao, nhất là Bitcoin vì nó không có điểm yếu trong phương diện tín dụng và thu nhập”.
So với những dự án tiền ảo tham vọng hơn sinh ra sau nó và gây ra cơn hỗn loạn trong năm vừa rồi, Bitcoin khác biệt hoàn toàn dựa vào tính đơn giản của nó. Mô hình “bằng chứng công việc” của nó yêu cầu người khai thác đồng tiền ảo này phải sử dụng máy tính để thực hiện một loạt các tính toán số học nhằm bảo đảm tính toàn vẹn của blockchain, đối lập hoàn toàn với mô hình “bằng chứng cổ phần” mang lại lãi suất cho những người dùng sẵn sàng nắm giữ đồng tiền ảo của họ - một mô hình mà Chủ tịch Ủy ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ, ông Gary Gensler khẳng định cần được điều tiết giống như cổ phiếu.
Những dự án tiền ảo mới này dựa vào chính hệ thống ngân hàng truyền thống mà Bitcoin được sinh ra để khắc phục, dẫn tới nhiều căng thẳng giữa các tín đồ tiền ảo cũ và mới. Việc dựa dẫm vào những khách hàng tiền ảo như vậy đã góp phần dẫn tới sự sụp đổ của hai ngân hàng trong tháng vừa rồi: ngân hàng Silvergate Capital và ngân hàng Signature.
Giờ dây liên hiệp thương mại Hiệp hội Blockchain đang điều tra các cáo buộc rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đang loại bỏ các công ty tài sản ảo, và họ cũng nghi ngờ rằng những quyết định của các cơ quan quản lý có thể đã góp phần vào những sự sụp đổ của các ngân hàng gần đây.
Bên cạnh đó, "vòi rồng" những khoản đầu tư mạo hiểm từng hướng vào những dự án tài sản ảo mới đang dần khép lại. Ngay cả trước khi cơn hỗn loạn xảy ra trong tháng này, các công ty đầu tư mạo hiểm đã giảm mức đầu tư tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 2.3 tỷ USD trong quý 4, theo số liệu từ PitchBook.
Môi trường tài chính hiện tại dẫn tới thời khắc mà Ryan Watkins, đồng sáng lập của công ty Syncracy Capital gọi là thời khắc để tiền ảo “trở về điểm bắt đầu”.
Không mấy ngạc nhiên là những người từng phê bình và hoài nghi về tiền ảo vẫn chưa được thuyết phục. Theo họ, cơn tăng vọt giá Bitcoin trong tuần vừa rồi có thể bị xóa sạch trong nháy mắt, dựa trên tính bất ổn đến mức tai tiếng của đồng tiền ảo này.
Theo Rob Arnott, nhà đầu tư định lượng đi đầu và nhà sáng lập của Research Affiliates, Bitcoin không thỏa mãn được 3 tính năng cơ bản của một đồng tiền: là phương tiện trao đổi, là thước đo giá trị, và lưu trữ giá trị qua thời gian.
Bên cạnh đó ông vẫn phải công nhận ông đồng cảm với những mong muốn của các tín đồ Bitcoin:
“Cứ gọi tôi là kẻ hoài nghi cũng được, nhưng tôi là một kẻ hoài nghi tin rằng những mục tiêu đầy khát vọng của tiền ảo là một điều tuyệt vời, bởi vì những ngân hàng trung ương, nhìn chung họ thiếu hiểu biết tới đáng kinh ngạc”.
Những nhận định này khiến ông không khác mấy so với Cryptograffiti, người đã đậu xe tải trước cửa trụ sở SVB. Cryptograffiti từ chối cung cấp tên thật vì các lo ngại về quyền riêng tư, trong một bài phỏng vấn với Bloomberg đã phát biểu: “Hệ thống tài chính kém cỏi hiện tại của chúng ta là chiến dịch quảng cáo lớn nhất cho Bitcoin và cục dự trữ liên bang là công ty quảng cáo đang chạy chiến dịch đó. Chúng ta cần kế hoạch B. Đối với tôi và nhiều cá nhân khác, Bitcoin là câu trả lời đó”.
Minh Nguyễn ( Theo Bloomberg/Ảnh: Milan Jaros)