Đúng 100 ngày sau khi gây ra vụ việc đau lòng trên, anh M. cũng kết liễu cuộc đời mình khi đang điều trị tại bệnh viện tâm thần. Trở lại căn nhà này sau 2 năm, PV đã ghi lại những lời tâm sự đắng cay của người cha già về uẩn khúc của sự việc đồng thời giải mã những tin đồn thất thiệt liên quan đến người thân của gia đình này.
Thánh thần... trừng phạt?
Trở về xã Hoa Sơn, đúng vào những ngày người dân nơi đây đang gấp rút thu hoạch vụ lúa hè thu. Tiếng cười nói, rộn rã của những người nông dân đã xua đi những mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. So với 2 năm trước, xã Hoa Sơn không có sự thay đổi nào lớn. Vẫn cảnh sắc yên bình pha thêm chút dung dị, thật thà đôn hậu của những người nông dân lấy cây lúa làm đầu cơ nghiệp. Thế nhưng, tất cả đã dừng lại khi chúng tôi hỏi chuyện người dân xã Hoa Sơn về sự việc xảy ra vào rạng sáng 21/9/2011.
Nói về sự vụ trên, bà Nguyễn Thị Hương - một người dân xã Hoa Sơn vẫn còn lộ rõ sự thương tiếc: "Đau xót quá các chú ạ! Ai mà ngờ được sự việc lại diễn ra đau lòng đến thế? Nghĩ lại giây phút đó mà thấy rùng mình".
Cũng theo một số người dân địa phương thì sau khi sự việc xảy ra, dư luận có nhiều lời đồn nhuốm màu dị đoan. Trong số này, hai vấn đề làm họ lưu tâm nhất chính là việc gia chủ xây ngôi nhà trước ngôi đình của thôn Miêng Hạ và chuyện con rắn đã bị những người trong gia đình đập chết khi bò vào sân ngay trong đêm xảy ra vụ việc.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc, hiện nay ông bà K. vẫn ở.
Theo đó, vào đêm 20/9/2011, gia đình nhà ông K. phát hiện trong sân nhà mình có một con rắn cạp nong bò vào sân. Sợ nguy hiểm, ông K. đã bảo người nhà ra đập chết rồi vứt xác xuống ao sen ngay bên cạnh nhà. Chính vì thế khi anh M. lên cơn điên giết vợ và hai đứa con khiến dư luận hoài nghi: Con rắn bị đánh chết kia là rắn thần. Do vậy, khi bị đánh chết nó đã sai khiến anh M. phải giết chết vợ con mình?!
Việc gia đình ông K. xây ngôi nhà trước ngôi đình của thôn Miêng Hạ cũng khiến cho nhiều người bàn tán. Họ cho rằng ngôi nhà trên không biết do vô tình hay hữu ý mà dám chắn trước ngôi đình thiêng, động chạm đến phong thủy, vị thế của ngôi đình... Vì nguyên do đó mà thần thánh nổi giận, quở trách.
Giải mã những lời đồn đại
Từ những hồ nghi trên, PV có cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Hữu K. cha đẻ của Nguyễn Văn M. - chủ nhân của ngôi nhà này. Ông K. bảo: "Quả thực sau khi xảy ra vụ việc, dư luận có bàn tán nhiều chuyện liên quan đến ma mị, thần thánh báo oán khiến gia đình tôi mất ăn mất ngủ. Đành rằng, việc M. "lỡ" ra tay với vợ và hai đứa con của nó trong lúc không kiểm soát được khiến cho gia đình và dòng họ tôi đau xót, nhưng những điều dị nghị của dư luận còn làm cho chúng tôi lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì chuyện đó đã lắng xuống, mọi người trong gia đình tôi vẫn bình thường, không gặp trắc trở nào trong cuộc sống hiện tại".
Liên quan đến hai quan điểm mà dư luận hồ nghi ở trên, ông K. giải thích: Việc xây ngôi nhà mà gia đình ông đang ở hiện nay không hề có ảnh hưởng gì liên quan đến cảnh quan của ngôi đình. Nó chếch hẳn sang phía bên trái chứ không chắn hay án ngữ trước mặt như nhiều người lầm tưởng. "Ngay cả chiếc ao của đình, biết đây là địa đồ phong thủy mà các cụ đời trước để lại nên gia đình tôi không lấn chiếm cũng như làm vấy bẩn. Do đó việc dư luận cho rằng thần thánh quở phạt là không đúng, ngoài yếu tố dị đoan thì nó còn là sự quy chụp, thiếu khách quan", ông K. nói.
Tiếp đến, chuyện con rắn bò vào sân từ tối 20/9/2011 rồi bị đập chết cũng là việc bình thường. Bởi mảnh đất của gia đình ông K. nằm ở sát chiếc ao này, cạnh đó là gần cánh đồng của thôn Miêng Hạ nên việc rắn bò vào nhà không phải là hiện tượng hiếm gặp. Ông K. cho hay: "Trước thời điểm đó, rất nhiều lần tôi bắt gặp rắn bò vào, lúc thì đánh chết, khi lại đuổi đi mà chẳng có "điềm" gì xảy ra, ngay cả bây giờ cũng thế. Không chỉ riêng rắn cạp nong, mà còn có các loại rắn khác như hổ mang bành, hổ mang chì... Những loại rắn này đều thuộc dạng cực độc, không cảnh giác thì có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu bị chúng cắn".
Ông K. đang kể về những thời khắc sau khi gia đình phải hứng chịu tin đồn từ dư luận.
Sự day dứt của người ở lại
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng thôn Miêng Hạ cho biết: "Quả thực sau khi vụ việc xảy ra, dư luận địa phương có bàn tán, đồn đại những câu chuyện mang tính dị đoan. Nhưng đến thời điểm này, gia đình nhà ông K. vẫn sinh hoạt bình thường". |
Gợi nhắc về câu chuyện, giọng ông K. như chùng xuống, điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi trong tâm trí của người cha già này luôn day dứt, giằng xé những nỗi lòng khó nói ra. Ông cũng bảo, giá như gia đình chúng tôi có điều kiện để chữa bệnh dứt điểm cho M. thì không dẫn đến cơ sự đau buồn như thế. Cũng vì những tin đồn thất thiệt đó mà gia đình tôi phải mất một thời gian dài mới có thể bình tâm trở lại.
Chậm rãi pha ấm nước trà mời khách, ông K. vẫn không giấu được đôi mắt nhòe lệ khi kể về con trai của mình. Theo đó, lúc trai trẻ, M. cũng khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn như hàng trăm thanh niên khác ở xã Hoa Sơn. Năm 2001, thấy nhiều thanh niên ở địa phương này làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động, M. cũng xin gia đình, từ biệt người thân sang Malaysia với ước nguyện làm giàu. Nhưng chỉ làm được vài tháng bên nước bạn, bỗng nhiên M. có biểu hiện như người mắc bệnh tâm thần. Vì lý do này mà M. phải đến một số bệnh viện ở Malaysia để điều trị bệnh. Không đáp ứng được sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc, M. buộc phải về nước trước thời hạn. Sau khi về nước, gia đình có đưa M. đến khám ở bệnh viện 103, được cấp sổ điều trị ngoại trú với chẩn đoán bệnh là Tâm thần phân liệt (TTPL). Được điều trị đúng phác đồ nên chỉ một thời gian ngắn, bệnh tình của M. thuyên giảm nên gia đình đưa M. về nhà điều trị.
Năm 2006, qua một thời gian tìm hiểu, anh M. đã kết hôn với chị Đặng Thị Ng. ở thôn Nhân Trạch, xã Phú Lương, quận Hà Đông. Rất nhanh sau đó, hai vợ chồng trẻ có với nhau 2 cậu con trai.
Có gia đình riêng, để ổn định sức khỏe cũng như điều trị căn bệnh tâm thần của anh M. nên chị Ng. thường xuyên đưa chồng đi khám, uống thuốc theo chỉ định. Tuy không giàu có như những gia đình khác nhưng kinh tế của vợ chồng anh M. cũng thuộc diện đủ ăn, có đồng ra, đồng vào.
Khoảng 12h ngày 20/9, hai vợ chồng M. xin phép đằng ngoại đưa hai cháu về Miêng Hạ thăm ông bà nội đang ốm. Ông K. nhớ lại: "Lúc đưa vợ con nó về nhà, tôi không thấy nó có biểu hiện bất thường nào về tâm lý cũng như hành động. Bằng chứng là nó vẫn đưa hai đứa con ra ngoài quán nước ở đầu thôn ngồi uống nước, sau đó nói chuyện với vợ vui vẻ như người bình thường. Tối đến, mấy anh em trong nhà còn ngồi ăn cơm, uống nước, nói chuyện với nhau đến 21h mới đi ngủ. Vậy mà đến 3h sáng nó lại gây nên chuyện".
Ông K. cũng cho biết trước khi xảy ra vụ việc, ông thấy tiếng động trong buồng nơi vợ chồng và hai con của M. đang ngủ, lo sợ có chuyện chẳng lành ông K. vội đi vào thì thấy cả 4 người vẫn ngủ. Nhưng ông K. có phát hiện 2 con dao và 2 đoạn dây điện ở trên nóc tủ nên ông đã đem ra ngoài cất đi. Ngoài ra, sau khi giết vợ và hai con, M. có ý định tự tử bằng cách treo cổ, nhưng không thực hiện được, sau đó trèo cổng ra đường.
Khoảng 100 ngày sau khi xảy ra vụ việc, M. cũng đã tử vong khi đang điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần. Ông K. cho biết: "Những lúc tỉnh táo, nghĩ đến vụ việc, M. đã rất buồn và luôn có ý muốn "đi theo" vợ con. Chính vì nguyên cớ đó mà M. không chịu ăn uống rồi dẫn đến tử vong tại bệnh viện".
Tại cơ quan CSĐT công an huyện Ứng Hòa, M. đã "khai" ra động cơ giết vợ con như sau: Đó là hai "tên bạn" của M. hồi đi Malaysia là H. và S. liên tục nhiều ngày "đe dọa" sẽ hiếp vợ M., sau đó sẽ giết cả ba mẹ con chị Ng. (?!), vì thế M. quyết định phải giết vợ con trước khi "kẻ thù" hành sự. M. đã lấy giấy ăn bịt mũi, miệng chị Ng. trước, sau đó đến 2 con trai. M. lấy dây điện buộc lên xà nhà để treo cổ hai lần nhưng không thành, sau đó trèo cổng ra ngoài... |
Nhóm phóng viên