Ngày 9/8, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội với các địa phương trong tỉnh.
Tính đến nửa năm 2019, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.676 tỷ đồng, cho vay gần 220.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách; hơn 37.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và hàng nghìn lao động vay vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, học tập và việc làm; xây dựng nhiều công trình nước sạch vệ sinh...
Theo ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, ngoài việc giúp người dân có "bàn đạp" để từng bước vươn lên thì nguồn vốn chính sách còn phải được lồng ghép để hướng dẫn người nghèo cách làm kinh tế, cách thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tín dụng chính sách đã góp phần rất quan trọng trong việc đẩy lùi và chấm dứt tệ nạn "tín dụng đen" đang âm ỉ tại các làng quê. Và là một trong những vấn đề nhức nhối, đã để lại nhiều hậu quả đau lòng, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị xã hội của địa phương.
“Tín dụng đen là sinh ra tội phạm. Đối tượng mà các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường lôi kéo là những người nghèo, dân trí thấp. Phải làm sao để nguồn tín dụng chính sách không chỉ đáp ứng nguồn vốn cho người nghèo mà quá trình thực hiện phải có sự sáng tạo để hướng dẫn người nghèo cách làm kinh tế, làm sao sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhất. Không một người nghèo nào bị bỏ lại phía sau - đây chính là mục tiêu của Chính Phủ và cũng là đạo lý của người Việt Nam mà chúng ta - những người được giao trọng trách phải làm cho dân", Bí thư Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Được biết, vào kỳ họp HĐND sắp tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ bàn bạc để đưa ra phương án tiếp tục trích nguồn thu ngân sách tỉnh từ 15 - 20 tỷ đồng; các huyện, thành phố từ 1 – 2 tỷ đồng, ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn để “tiếp sức” cho họ tiếp tục vươn lên, thoát nghèo, làm giàu trên quê hương.