Kinh doanh trái phép
Theo tìm hiểu của PV, luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng muốn hoạt động, kinh doanh phải tuân thủ rất nhiều điều kiện để được cấp phép. Điển hình như phải có vốn điều lệ (được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng); là công ty TNHH một thành viên; cổ đông sáng lập - thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn...
Ngoài ra, còn có hàng loạt điều kiện khác như phải có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế trong cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng. Việc cấp giấy phép sẽ được Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác trong giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Đối với các công ty tài chính được cấp phép, theo danh sách công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến thời điểm 31/12/2018, không hề có bất cứ cái tên nào như PV đã đề cập trong loạt bài điều tra này, kể cả công ty tư vấn và các doanh nghiệp “bơm tiền”. Hiện trong danh sách này chỉ có 16 tổ chức được cấp phép hoạt động, thế nhưng trên thực tế, con số các đơn vị đang hoạt động cho vay tiêu dùng có thể lên đến hàng trăm.
Tương tự, tính đến thời điểm 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ cấp phép cho 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính. Và trong số này cũng không hề có bất cứ cái tên nào như các kỳ trước mà PV đã đề cập. Ngoài ra, trong danh mục các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác thuộc sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hề có đơn vị nào được cập nhật. Điều đó có nghĩa là các đơn vị này đang hoạt động chui?
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã liên hệ với phòng Quản lý cấp phép tổ chức tín dụng phi ngân hàng, ngân hàng HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Theo đó, đại diện của Phòng này cho biết: “Hiện Phòng không quản lý cấp phép đối với bất cứ app của doanh nghiệp nào hay các đơn vị nào hoạt động theo hình thức cho vay thông qua app trên thiết bị di động”.
Cũng theo vị này, khi cho vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào đều phải có giấy phép hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Xem thêm >>> Kỳ 1: Lãi và phí giết chết con nợ
Biến tướng
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay hình thức cho vay thông qua các app trên thiết bị di động hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng (peer to peer lending - P2P) đã và đang bùng nổ ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, loại hình này bùng phát mạnh mẽ trong vài năm gần đây.
Theo mô hình này, các công ty trung gian sẽ đứng ra làm công việc “tư vấn tài chính”, kết nối người có nhu cầu vay và người cung cấp tiền (giống như Uber và Grab).
Ở các nước trên thế giới, công ty tư vấn cho vay đã làm thay vai trò của ngân hàng, từ đó, tạo ra hệ thống để giúp người vay và người cho vay có thể liên lạc, thỏa thuận với nhau về khoản vay, lãi suất và các vấn đề phát sinh khác. Trong khi đó, các công ty này thu phí kết nối và chấm điểm tín dụng của cả người vay lẫn bên cho vay.
Thế nhưng, tại Việt Nam, khi thỏa thuận về việc vay và lãi suất, đặc biệt là các khoản phí, các công ty tư vấn tài chính “nói một đằng” nhưng người vay lại phải “trả một nẻo”. Hơn nữa, các đơn vị “bơm tiền” chủ yếu là các công ty, cơ sở cầm đồ nên lãi suất được tính... vô tội vạ. Cùng với lãi suất còn có các loại phí: Phí quản lý hồ sơ, phí dịch vụ, phí phạt trễ hạn... vốn là bản chất của tín dụng đen truyền thống đang “siết cổ” người vay.
“Hiện nay, loại hình này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, đồng nghĩa với việc nó cũng chưa được cấp phép để hoạt động. Chính vì chưa có khung pháp lý quy định liên quan nên sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là khi người vay vay tiền của các đơn vị này sẽ phải chấp nhận rất nhiều rủi ro vì không có được sự bảo vệ của pháp luật”, luật sư Nguyễn Văn Hồng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết.
“Nếu có tranh chấp xảy ra hoặc đơn cử như người vay bị các đơn vị cho vay, tư vấn hù doạ, khủng bố tinh thần, bêu xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... thì rất khó tố cáo, kiện tụng... Hơn nữa, không ai biết những chứng từ điện tử (hợp đồng vay, cam kết lãi suất, tiến độ thanh toán...) có được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của các đơn vị hay các tổ chức nào để có thể kiểm tra, giám sát hay không?”, chuyên gia về luật này nói thêm.
Trong khi đó, luật sư-luật gia Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn Pháp luật TP.HCM (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Đối với các đơn vị cho vay, cho thuê tài chính thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép. Những đơn vị không nằm trong danh sách này là hoạt động, kinh doanh trái phép”.
Luật sư Dũng phân tích thêm: “Trường hợp nào hoạt động kinh doanh sai phép thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý: Xử phạt hành chính, rút giấy phép, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra. Còn nếu xác định là kinh doanh trái phép thì người dân có thể tố cáo trực tiếp đến cơ quan điều tra”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Hiện nay dịch vụ này rất nhiều, tuy nhiên, cho vay và huy động vốn là nghiệp vụ phải được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, còn trường hợp không được ngân hàng Nhà nước cấp phép là vi phạm pháp luật. Trong năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với công an và quản lý thị trường để thanh, kiểm tra hoạt động này, qua đó, góp phần giải quyết vấn nạn tín dụng đen, cho vay sai quy định”.
Về việc xử lý các website cung cấp các app cho vay không hề đơn giản. “Riêng trường hợp sử dụng website cung cấp các app đó thì cơ quan chức năng, như: Sở Thông tin - Truyền thông và sở Công Thương, tùy theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ sẽ quản lý. Tuy nhiên, về bản chất thì cơ quan công an vẫn là đơn vị có trách nhiệm xử lý bởi đây là hành vi quảng cáo sai sự thật, phục vụ cho kinh doanh trái phép”, luật sư Dũng phân tích thêm.
Cũng theo luật sư Dũng: “Hiện nay, hoạt động này đang diễn ra tràn lan, các đơn vị chỉ cần xin giấy phép đăng ký kinh doanh tại sở Kế hoạch - Đầu tư là ngang nhiên hoạt động. Bản chất của hoạt động này không đơn giản bởi có thể họ xin đăng ký kinh doanh và hoạt động tại TP.HCM nhưng “trụ sở” thực sự lại đặt ở các tỉnh/thành khác”.
“Chúng tôi đã có kế hoạch xử lý tình trạng này. Thực chất, đây là hoạt động tín dụng đen, gây bức xúc thời gian qua”, ông Minh nói thêm.
Liên quan đến các website cung cấp các loại app cho vay trên thiết bị di động, PV đã liên hệ với cơ quan công an, sở Công Thương và sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM. Các đơn vị này đều cho biết sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn trả lời và cung cấp thông tin cho PV trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm >>>
1001 chiêu “bêu” xấu, uy hiếp để khủng bố con nợ tín dụng đen (kỳ 2)
C.T