Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra) vừa ban hành kết luận điều tra; đề nghị truy tố Trần Quí Thanh về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Cùng vụ án, 2 bị can Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (hai con gái ông Trần Quí Thanh) cũng bị đề nghị truy tố cùng tội danh.
Kết quả điều tra xác định, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Trần Quí Thanh cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số người vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng".
Khi cho vay, Trần Quí Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án.
Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
Theo Cơ quan điều tra, khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Doanh nghiệp, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Mặc dù bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận những ông Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến 11/2020, ba cha con ông Trần Quí Thanh đã chiếm đoạt tài sản, dự án, thửa đất của một số cá nhân, với tổng giá trị các tài sản là 767 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cơ quan điều tra, từ vụ án trên cho thấy thời gian gần đây, xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt, biến tướng, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay trái pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tư.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cho vay còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn phạm tội, hậu quả của ‘tín dụng đen” còn hạn chế, hiệu quả chưa cao nên chưa thấy được tính nguy hiểm, nguy cơ, rủi ro của việc vay “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, một số cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng do các điều kiện vay về vốn, thủ tục phức tạp, các yêu cầu về tài sản đảm bảo, thế chấp chặt chẽ. Trong khi đó, các đối tượng có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi lợi dụng nhu cầu cấp thiết về vốn vay, tình trạng tài sản chưa đủ điều kiện để thế chấp vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã cho các chủ tài sản vay tiền.
Chủ tài sản không lường trước được những rủi ro, cạm bẫy, bất lợi và vướng mắc pháp lý khi vay tiền theo cách thức các đối tượng đưa ra như: Không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản theo đúng quy định pháp luật dân sự có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản.
Để ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”, lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự, Cơ quan điều tra cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước một số vấn đề.
Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng hóa các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” để kịp thời giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về các hoạt động tín dụng, cho vay ngoài các tổ chức tín dụng, để thấy được các nguy cơ, rủi ro và hệ lụy khi vay “tín dụng đen”.