Liên quan đến bài viết "Tín dụng "đen" thời công nghệ số" mà báo Người Đưa Tin đã đăng tải, bạn đọc đã tiếp tục liên hệ phản ánh về vấn đề này xoay quanh lãi suất và phí khi vay.
Anh Nguyễn Thành T. (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, anh thực hiện vay tín dụng trên app điện tử EVay của công ty Cổ phần EASY FINTECH VIET NAM (quận 1, TP.HCM) với gói vay 1,5 triệu đồng/7 ngày.
Anh T. được nhân viên tư vấn đây là gói vay 0% nên anh thực hiện vay. Tuy nhiên, khi nhận tiền, anh mới phát hiện phí lên đến 14%/tổng số tiền vay và được trừ trực tiếp khi giải ngân, tức là 210.000 đồng.
Chị Trần Thị Tuyết (ngụ TP.HCM) cũng thực hiện vay trên app di động Alova của công ty Dịch vụ Cầm đồ Xương Thịnh (quận 8, TP.HCM) với số tiền 3 triệu đồng/15 ngày. Khi được nhân viên tư vấn gói vay này có lãi suất 20%/năm (tức 1,66%/tháng) chị yên tâm vay. Thế nhưng khi giải ngân và bị trừ trực tiếp 600.000 đồng, chị mới phát hiện dịch vụ có phí hơn 550.000 đồng.
Ông Hồ Minh Tồn, đại diện pháp lý công ty Cổ phần EASY FINTECH VIET NAM cho biết, app EVay đang áp dụng lãi suất 0%, phần phí thu trên mỗi lần vay đã được thông báo đến khách hàng và chỉ giải ngân khi khách hàng đồng ý.
“Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không áp dụng lãi suất trần cho công ty tín dụng cho vay trên app điện tử. EVay cũng cho khách hàng vay với lãi suất 0% là hoàn toàn hợp lý”, ông Tồn nói thêm.
Lý giải về phần phí chiếm đến 14% tổng giá trị vay, ông Tồn cho rằng, đây là phí cạnh tranh giữa các công ty, chưa có văn bản nào quy định về phần phí này. App EVay chỉ áp dụng hình thức phạt 150% khi khách hàng thanh toán chậm.
Bà Trần Thị Thủy Tiên, Giám đốc công ty Dịch vụ Cầm đồ Xương Thịnh khẳng định, phía app Alova đang áp dụng lãi suất 20%/ năm là đúng với quy định của pháp luật. Số tiền còn lại là phí thỏa thuận với khách hàng.
Khi được hỏi, với khoản vay 3 triệu/15 ngày nhưng công ty Xương Thịnh lại thu phí dịch vụ lên đến 594.000 đồng là đúng với quy định pháp luật hay không, bà Thủy Tiên không trả lời.
“Công ty Xương Thịnh và app Alova đang làm đúng với quy định của pháp luật và chúng tôi không trả lời câu hỏi này”, bà Thủy Tiên nói thêm.
Như vậy, các công ty đang thực hiện cho vay trên ví điện tử như Alova, EVay đang mập mờ giữa lãi suất và phí thu đối với khách hàng trên mỗi lần vay. Điều này khiến cho khách hàng dễ nhầm lẫn khi được tư vấn và chỉ nhận ra khoản phí quá cao lúc được giải ngân.
Anh Lê Văn Thắng, Trưởng phòng Tín dụng một ngân hàng cổ phần cho biết, hiện tại các khoản vay tín dụng ở các ngân hàng đều có áp dụng thu phí, tuy nhiên với khoản thu của hai đơn vị kể trên là quá cao.
Cụ thể, đối với ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) phí dịch vụ tín dụng cao nhất với doanh nghiệp chỉ 200.000 đồng/năm, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phí cho cá nhân cao nhất khoảng 350.000 đồng/ năm.
“Với các ngân hàng, khoản tín dụng tương đối cao và có thể lên đến vài trăm triệu đồng, phí này được thu để duy trì các dịch vụ phát sinh. Riêng quy định cho vay tín dụng là không thu phí”, anh Thắng nói thêm.
Luật sư Hồ Diệp, đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, theo Thông tư 05/2011/TT-NHNN quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ngay tại điều 1 đã nêu rõ: “Tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng”.
Cũng theo ghi nhận của PV, theo thông tin đăng tải trên website của NHNN ngày 4/7/2018 cũng nêu rõ, các app điện tử chỉ được thực hiện chức năng trung gian thanh toán, không được thực hiện huy động vốn hoặc cho vay đối với khách hàng.
"Không thể phủ nhận các khoản vay tín dụng đã hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng trong kinh doanh, tiêu dùng…nhưng với các khoản vay tại các app cho vay thu phí quá cao sẽ là gánh nặng khi trả và có thể dẫn đến nợ xấu", luật sư Diệp nhấn mạnh.