Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã đến thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ vào tối 9/3, trước cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự vào Ukraine 2 tuần trước.
Mặc dù các phái đoàn của 2 bên đã gặp nhau 3 lần để thảo luận về việc ngừng bắn để tổ chức các hoạt động nhân đạo, nhưng cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 10/3 sẽ là lần đầu tiên các nhà ngoại giao hàng đầu của 2 nước gặp mặt trực tiếp trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ Bild của Đức: "Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, mục tiêu của tôi là chấm dứt chiến tranh với Nga. Và tôi cũng sẵn sàng thực hiện một số bước nhất định".
"Có thể thỏa hiệp, nhưng các thỏa hiệp đó không được phản bội đất nước của tôi", ông Zelensky tuyên bố.
Cuộc hội đàm cấp cao đã được Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo hồi đầu tuần, và sẽ diễn ra trước Diễn đàn Đối ngoại Antalya (ADF) ở thành phố Antalya nằm bên bờ Địa Trung Hải.
Thời gian đang đứng về phía người Ukraine
Ben Hodges, sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nói với DW, ông tin rằng Ukraine sẽ có thể giành chiến thắng trước Nga.
"Nga sẽ không thâm nhập vào Kiev", ông Hodges nhận định, và giải thích rõ hơn về phỏng đoán của ông rằng liệu Moscow có quyết định "chuyển sang chiến tranh tiêu hao".
"Để làm được điều đó, người ta phải có nhiều thời gian, có đạn dược vô biên và có nhân lực không giới hạn. Nhưng ở đây rõ ràng Nga không có bất kỳ điều nào trong 3 điều đó", ông Hodges lập luận.
Vị cựu sĩ quan này cho rằng phía Nga đã thể hiện các dấu hiệu của sự thiếu hụt nguồn cung, và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các lệnh trừng phạt áp lên Nga bắt đầu thực sự phát huy tác dụng "trong vài tuần tới".
Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Nga có ưu thế quân sự. Ông cho rằng Ukraine có nhiều nhân lực hơn và người dân đã thể hiện tinh thần sẵn sàng kháng cự.
Ông Hodges cho rằng, bất chấp việc Nga có lợi thế về hải quân và không quân, "công tác hậu cần đang ngày càng được cải thiện đối với người Ukraine, đồng thời nó ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với người Nga".
Cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO Wesley Clarke nói với DW rằng, ông "ngạc nhiên trước sự kém hiệu quả của quân đội Nga" ở Ukraine.
"Người Nga đã chứng tỏ mình là một lực lượng tương đối kém hiệu quả", ông nói thêm.
Ông Clarke cho biết, "bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ được quyết định bởi kết quả trên thực địa, mà điều này đang được quyết định bởi sự kháng cự của người Ukraine".
Chiến tranh đe dọa nguồn cung lương thực
Nga và Ukraine, 2 trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã công bố chuyển dịch xuất khẩu trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra. Xuất khẩu lúa mì từ cả 2 quốc gia đều rất quan trọng đối với nguồn cung lương thực toàn cầu và các động thái này có thể sẽ có ảnh hưởng sâu rộng.
Cụ thể, DW cho biết, Ukraine đã cấm hoàn toàn xuất khẩu lúa mì trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa và nhằm cung cấp lương thực cho người dân địa phương, trong khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Nga phải hướng nguồn cung lúa mì cho sản xuất bánh mì trong nước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Các nhà quan sát cho rằng, tình hình có thể nghiêm trọng đối với các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông. Các quốc gia này phụ thuộc nhiều vào cả 2 nhà cung cấp Nga và Ukraine, và họ vốn đang phải vật lộn để mua được lương thực trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao do nguồn cung thiếu hụt đang đe dọa làm tăng chi phí mua hàng và những gì xảy ra trong tương lai là không thể lường trước được.
Hiện giá lúa mì đã cao hơn 55% so với một tuần trước khi giao tranh trực tiếp Nga – Ukraine xảy ra.
Đức không nên đợi đến khi ông Putin "khóa van" mới hành động
Các đảng thuộc Liên minh Cơ đốc giáo bảo thủ của Đức CDU/CSU hôm thứ Tư đã kêu gọi Chính phủ Liên bang tiếp tục phản đối cuộc tấn công quân sự của Nga bằng cách ngừng nhập khẩu khí đốt từ nước này qua đường ống Nord Stream 1.
Lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz cho biết, động thái này sẽ "đưa các biện pháp trừng phạt lên một cấp độ mới”, đồng thời cho rằng, Đức "phải chấp nhận" các giới hạn đối với nhập khẩu khí đốt "trong bối cảnh của tình hình" ở Ukraine.
"Chúng tôi không muốn đợi cho đến khi các bên khác đề xuất điều đó rồi Đức mới lại làm theo", ông Merz nói. "Hoặc đợi cho đến khi ông Putin khóa van".
Ông Merz và phó lãnh đạo Alexander Dobrindt kêu gọi Chính phủ giảm thuế nhiên liệu từ 19% xuống 7% để giảm nhẹ đòn giáng vào người tiêu dùng. Họ đề nghị thực hiện biện pháp này trong 3 tháng.
Hai lãnh đạo cao nhất của phe đối lập cũng chỉ trích các bước của Chính phủ về đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nói rằng việc đóng cửa chúng bây giờ là vô lý.
Vào ngày 22/2, 2 ngày trước khi Moscow tiến hành cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đình chỉ quá trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 gây tranh cãi trị giá 11 tỷ USD (9,93 tỷ Euro) của Nga-Đức trước khi khí đốt bắt đầu chảy qua đó.
Minh Đức (Theo DW)