Những tín hiệu đáng mừng
Theo tạp chí Tài Chính, dù vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát nhưng trong tháng 4 vừa qua, hoạt động thương mại, sản xuất và dịch vụ của Việt Nam diễn biến tích cực. Trong đó, chỉ số GDP và CPI của quý 1 đều giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 0,26% và vốn FDI đăng ký 4 tháng đầu năm tăng khoảng 4,5%. Đáng chú ý, chỉ số PMI trong tháng 4 đạt 50,3 điểm, tăng 0,4 điểm so với tháng 3. Lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ.
Hoạt động đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó dự kiến Hà Nội sẽ triển khai 11 dự án giao thông trọng điểm, thay đổi diện mạo Thủ đô. Tại phía Nam, các địa phương khởi động dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh: Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh dài 207 km đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (dài 18,7 km), Đồng Nai (45,6 km), Bình Dương (47,45 km), TP. Hồ Chí Minh (17,3 km) và Long An (dài nhất với 78,3 km), được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao tỉnh Long An là đầu mối chủ trì dự án.
Những diễn biến tích cực của tình hình kinh tế vĩ mô cũng có tác động lớn đến sự phục hồi chung của thị trường bất động sản. Theo đó, trong tháng 4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Chính phủ đang đề xuất cho phép Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, cùng thời điểm với Luật Đất đai 2024 cũng vừa được Chính phủ thống nhất có hiệu lực từ 1/7/2024
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn tiếp tục tăng và doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ.
Dự báo 2 kịch bản của thị trường địa ốc cuối năm
Theo Nhịp Sống Thị Trường, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, giai đoạn nửa cuối năm 2024 thị trường bất động sản sẽ có 2 kịch bản: Thứ nhất, nếu được “tiếp sức” bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ cho phép áp dụng các dự án luật sửa đổi, bổ sung kể từ ngày 1/7/2024 và xem xét thông qua 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội; đồng thời ban hành thống nhất 20 Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành các dự án luật, có tính khả thi, sát với thực tế thì sẽ giải quyết được hầu hết những vướng mắc liên quan đối với những dự án nhà ở.
Kịch bản thứ 2, nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm các dự án luật thì sẽ có tác động “làm chậm” tiến trình phục hồi, phát triển trở lại của thị trường bất động sản thêm khoảng 6 tháng và nếu Quốc hội không thông qua 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm, thì kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở” để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Đáng quan ngại, sẽ có khoảng 15% trong tổng số dự án nhà ở thương mại mà hầu hết là dự án quy mô diện tích lớn hoặc rất lớn dù phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án, do không đáp ứng quy định tại khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024.
“Nếu kịch bản thứ 2 xảy ra, sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại và tiếp tục tình trạng “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc “neo” giá cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững” – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá.
Đào Vũ (T/h)