Thanh tra việc cổ phần hóa, thoái vốn tại bộ Công Thương
Ngày 7/6, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn) thuộc bộ Công Thương.
Thời gian thanh tra 70 ngày làm việc thực tế, thời kỳ thanh tra từ 2011 - 2017.
Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Nguyễn Duy Bính, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Tổ giám sát đoàn thanh tra tại bộ Công Thương có hai thành viên do ông Hoàng Đức Quỳnh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ I, vụ Giám sát, Thẩm định và xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng.
Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có 406 doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 - 2015, bộ Công Thương phải cổ phần hóa 10 doanh nghiệp trực thuộc, năm 2017, bộ cũng đã cổ phần hóa thành công một số doanh nghiệp lớn như Sabeco, PVOil...
Trong đó, thương vụ đấu giá Sabeco thành công vượt mọi kỳ vọng khi công ty Vietnam Beverage do ThaiBev đứng sau đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sabeco với giá trúng thầu bình quân là 320.000 đồng, các nhà đầu tư đã phải trả tổng cộng 110.0000 tỷ đồng, tương đương với 4,9 tỷ USD.
Hàng không tiếp tục tăng phí dịch vụ
Từ tháng 6/2018, Vietjet Air và Jetstar tăng thêm phí dịch vụ quản trị hệ thống 70.000 - 260.000 đồng mỗi vé.
Theo đó, hãng Jetstar sẽ áp dụng phí YR mới là 210.000 đồng (chưa bao gồm VAT), tăng 70.000 đồng so với trước đó. Mức này sẽ được áp dụng từ 4/6.
Cũng điều chỉnh tăng phí dịch vụ trên từ hôm 1/6, Vietjet Air cho biết phí quản trị hệ thống mới của hãng sẽ lên mức 210.000 - 370.000 đồng một vé tùy theo chặng bay, tăng 100.000 - 130.000 đồng một vé so với trước đây.
Với các đường bay quốc nội, giá phí sẽ tăng từ 140.000 lên 210.000 đồng một vé. Một vài chặng bay từ Hà Nội và TP HCM đến các điểm đến trong khu vực đều tăng phí quản trị hệ thống thêm 100.000 đồng một vé.
Chặng quốc tế có mức phí tăng cao nhất là TP.HCM - Singapore. Trước đó, hãng này không thu phí quản trị hệ thống nhưng từ 1/6 mức thu sẽ là 260.000 đồng.
Với mức phí tăng thêm này, giá vé máy bay của hai hãng trên cũng đã tăng thêm 70.000 - 260.000 đồng một vé.
Trước đó vào đầu tháng 4/2018, cấu thành giá vé máy bay nội địa đã tăng nhẹ, do giá vé cho trẻ em cũng như một vài loại thuế phí có điều chỉnh tăng. Giá dịch vụ hành khách và an ninh tại cảng hàng không cũng được điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng từ ngày 1/4.
Cắt giảm hàng loạt chi cục thuế, phòng giao dịch kho bạc
Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ban hành quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho việc sắp xếp tinh gọn đầu mối quản lý và nâng cao hiệu quả của hệ thống kho bạc Nhà nước theo đúng định hướng đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc giải thể và sáp nhập 43 phòng giao dịch phù hợp với xu hướng cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả trong khu vực công của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Từ năm 2015 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm được 122 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, giảm trên 1.900 tổ tại kho bạc Nhà nước cấp huyện.
Song song với đó, tổng cục Thuế cũng đang trình bộ Tài chính phê duyệt đề án cắt giảm 102 chi cục thuế trên cả nước.
Theo đó, 192 chi cục thuế sẽ được ghép thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục)... Tổng cục Thuế cho rằng, thông qua việc sắp xếp, sáp nhập để thành lập chi cục thuế khu vực sẽ giải quyết được việc giảm đầu mối chi cục thuế, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu, tạo điều kiện cho người nộp thuế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; là cơ sở sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy.
Người nghèo chịu thuế tài sản đang cao hơn người giàu
Đây là đánh giá của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới (WB) khi nghiên cứu dự thảo luật Thuế tài sản của Việt Nam tại buổi làm việc chiều 7/6/2018.
Căn cứ vào dự thảo chính sách thuế tài sản mà bộ Tài chính mới công bố gần đây, WB cho biết có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình (7,2% số hộ) sẽ chịu tác động của thuế này và đánh giá thuế nhà ở tác động rất nhỏ tới hộ nghèo (khoảng 23.000 hộ) và đóng góp khoảng gần 3.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo (0,83%) lại cao hơn tỷ lệ này của hộ gia đình giàu có (0,58%).
Do vậy, phía WB cho biết số thu từ chính sách này ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế là không nhỏ (chiếm từ 10- 20% số thu). Để thực hiện, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản,...
Đặc biệt ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cũng không nên thực hiện chính sách thuế này một cách đơn lẻ mà đặt trong cải cách hệ thống chính sách tài chính nói chung thì mới đạt được mục tiêu.
Qua các góp ý của chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu đầy đủ về chính sách thuế tài sản, lựa chọn các phương án phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.
H.Y (tổng hợp)