Hồi 13h ngày 2/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10 km/h.
Dự báo đến 1h ngày 3/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 110,7 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10-15km/giờ.
Đến 13h ngày 3/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 109,7 độ kinh đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10-15km/giờ.
Đến 13h ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 108,7 độ kinh đông, trên khu vực phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống dưới cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 5km/giờ và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển phía Tây Bắc khu vực bắc Biển Đông có gió bão mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng biển cao 2-4m.
Từ gần sáng 3/9, vùng biển phía đông của khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động, sóng biển cao 1,5-2,5m.
Theo báo Chính Phủ, để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân, tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Thông tin trên VTC New, mới đây Bộ Công Thương ban hành chỉ thị về tăng cường an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Theo đó, từ đầu mùa mưa bão 2023 đến nay, thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, mưa lớn kéo dài gây tình trạng lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực như Lâm Đồng, Đắk Nông, Yên Bái, Hà Giang... Một số công trình thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải dừng hoạt động để khắc phục sự cố.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai những nội dung cấp thiết và phù hợp để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện.
Théo đó, các chủ hồ chứa thuỷ điện phải nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và quy trình vận hành liên hồ chứa thuỷ điện; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công tình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước, các bờ vai đập, các thiết bị cơ khí, thiết bị điện và thiết bị quan trắc chuyên dùng; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có).
Ngoài ra, các chủ hồ chứa thủy điện cũng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thuỷ văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động áp dụng cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ.
Trúc Chi (t/h)