Theo báo cáo tại cuộc họp, vào lúc 13h chiều nay, tâm bão số 4 ngang với Quảng Ninh- Hải Phòng, cách bờ khoảng 420km, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam. Theo dự báo, đến khoảng 10h ngày 17/8 (thứ Sáu) tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, gió cấp 8, sau đó di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần. Cơn bão số 4 sẽ gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Từ đêm 15/8 đến ngày 17/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa 250-350mm/đợt, tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đây là khu vực có nhiều tàu thuyền ven biển hoạt động, các khu kinh tế du lịch hoạt động mạnh, hệ thống đê điều, hồ đập đã trải qua gần 02 tháng mưa lũ cùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất lũ quét ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc.
Trước những diễn biến phức tạp của bão và tình hình mưa, lũ hiện nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng tại những khu vực trong gần hai tháng qua đã có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngay lập tức chuẩn bị công tác ứng phó.
Đối với tuyến biển, tăng cường thông tin, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền khai thác hải sản, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng bè,.. về nơi trú tránh bảo đảm an toàn. Chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo.
Đồng thời tiến hành đảm bảo an toàn cầu cảng (Quảng Ninh, Hải Phòng), hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, hồ chứa bùn thải và sẵn sàng máy bơm để chống ngập úng khu đoạn đường tại Đèo Bụt ở Quảng Ninh. Khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản (chủ động cấm một số phương tiện di chuyển khi bão đổ bộ trên các cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh); cầu Tân Vũ (Hải Phòng); đảm bảo an toàn khu công nghiệp như ô tô VINFAST (Hải Phòng).
Đối với khu vực đất liền, tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển. Cùng với đó, đảm bảo an toàn ứng phó với ngập úng, sạt lở khu đô thị.
Hiện, khu vực Chương Mỹ, TP.Hà Nội nước mới rút cạn, mực nước trên sông Bùi hiện nay khoảng 4,2m (dưới mức báo động I là 1,8m), qua đó, cần theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt đảm bảo đời sống, sinh hoạt và môi trường khu vực Chương Mỹ. Phối hợp tốt giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành chống ngập úng đô thị bơm nước ra sông Đáy, sông Nhuệ,…
Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, ứng phó một số khu vực tràn đê và chuẩn bị phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo sinh hoạt tại các vùng thiên tai.
Đặng Thủy - Khánh Ngân