Về thông tin ông Võ Kim Cự có đơn xin thôi không làm ĐBQH, theo nguồn tin từ Văn phòng Quốc hội, vụ Công tác đại biểu cho biết: “Có nghe thông tin ông Võ Kim Cự sẽ có đơn, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Vụ chưa nhận được văn bản cụ thể”.
Về nguyên tắc, đại biểu nào giảm sút tín nhiệm, không còn xứng đáng với niềm tin của cử tri có thể xin không làm ĐBQH.
Trước đó, một số thông tin cho biết, ông Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi làm ĐBQH. Lý do ông Võ Kim Cự chủ động xin thôi làm ĐBQH vì điều kiện này, điều kiện kia không đáp ứng được.
"Tuy nhiên, mọi việc giờ đang trong quá trình làm thủ tục. Tất cả phải chờ Quốc hội quyết định", nguồn tin này cho hay.
Về nguyên tắc, nếu đồng ý với đơn của ông Võ Kim Cự, Quốc hội sẽ ra nghị quyết để miễn nhiệm ĐBQH Võ Kim Cự. Việc này cũng đồng nghĩa, quy trình giải quyết, xem xét sẽ khác so với việc ông Võ Kim Cự bị Quốc hội bãi nhiệm.
Trước đó, khi trả lời báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau kết luận của ban Bí thư về những “sai phạm nghiêm trọng” của ông Võ Kim Cự, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự vào kỳ họp thứ 3 diễn ra cuối tháng Năm tới.
Sau khi có thông tin ban Bí thư kỷ luật cách chức các chức vụ ông Võ Kim Cự thời còn làm việc ở Hà Tĩnh, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một số ĐBQH đã có ý kiến đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH với ông Võ Kim Cự.
Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: “Đã chịu hình thức kỷ luật cách chức của ban Bí thư, tôi nghĩ không còn đủ tư cách để thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH. Rõ ràng, việc bãi nhiệm ông Võ Kim Cự là cần thiết và đúng theo quy định của luật Tổ chức Quốc hội”.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Một ĐBQH như ông Võ Kim Cự không thể đại diện cho nhân dân được nữa. Tôi nghĩ không phải tôi mà các đại biểu khác cũng sẽ đồng ý bãi nhiệm”.
Dương Thu