Theo TTXVN, nam bệnh nhân T.V.C, 18 tuổi, ở thành phố Sông Công, Thái Nguyên, đa chấn thương do nổ bình gas 12 kg khi đang nấu ăn.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử đều 2mm có phản xạ, đa vết thương phần mềm phức tạp. Bệnh nhân có vết thương nông vùng cổ, ngực bụng thành bụng, vết thương đuôi mắt, tai phải, thương cằm, khuyết da đùi, da cẳng chân, nhiều dị vật...
Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, bơm rửa nhiều lần, lấy dị vật bẩn, tổ chức da, cơ đụng dập, cố định khớp bàn thang 2 bên, đặt dẫn lưu, theo dõi đụng dập phổi do chấn thương áp lực.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Ngân, Trưởng khoa Gây mê 1, Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ trên báo Dân Trí, bệnh nhân T.V.C vẫn cần theo dõi tiếp về tổn thương phổi và nhiễm trùng.
Được biết, nam bệnh nhân C. khi đang nấu ăn ở nhà thì tự nhiên bình gas phát nổ, khiến C. ngất xỉu. Người em họ C. đứng gần đó cũng bị thương. Nghe thấy tiếng nổ lớn, hàng xóm nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn trong sử dụng gas, người dân nên tự bảo vệ an toàn của mình và gia đình bằng cách mua bình gas và phụ kiện bình gas (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh gas có uy tín, thường xuyên kiểm tra bình gas ở nhà.
Nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp rất khó đánh lửa, phải tốn sức "mồi" nhiều lần mới được thì tốt nhất không nên sử dụng bởi những bếp gas như thế rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ.
Trúc Chi (t/h)