Liên quan đến sự việc đang được dư luận quan tâm về trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), tập thể giáo viên tại đây đã liên tiếp đứng lên chống lại những hành vi giả dối của bà Ngọc. Mới đây nhất, một bức tâm thư đã được phát ra từ những người thực sự tâm huyết với nhà trường.
Theo đó, điểm thứ nhất, các giáo viên khẳng định: Việc lấy phiếu khảo sát học sinh, đồng chí Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã phổ biến với học sinh mục đích của việc khảo sát nhằm phục vụ báo cáo về an toàn trường học và phục vụ cho việc thanh tra của sở.
Điểm thứ hai, các giáo viên cho rằng, việc lấy phiếu khảo sát của giáo viên, thực tế khi nhận được chỉ đạo của Ban giám hiệu về việc làm phiếu khảo sát, các giáo viên này không biết gì về vụ tai nạn của cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4. Trong phiếu khảo sát, giáo viên xác nhận không nhìn thấy học sinh bị tai nạn và không thấy ôtô vào trường. Việc gửi báo cáo này lên cấp trên và với báo chí ra sao, giáo viên không được rõ.
Như vậy, việc phản ánh 100% giáo viên trong trường nhất trí với hiện tượng không có xe taxi chở cô Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng gây tai nạn cho học sinh mà cô Hiệu trưởng báo cáo là không đúng sự thật.
“Vì mong muốn sự việc được sáng tỏ để chúng tôi được yên tâm công tác nên chúng tôi đã viết thư nói rõ sự thật. Thời gian vừa qua, chúng tôi đang bị dư luận hiểu nhầm, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới đại đa số tâm lý các giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên. Giờ đây, chúng tôi nghĩ mình không thể im lặng mãi được mà phải đứng lên nói rõ ràng sự thật”, bức thư nêu.
Điểm thứ ba, về việc viết “Báo cáo sự việc cần xem xét lại” của Ban Giám hiệu nhà trường gửi cơ quan báo chí nhân danh là tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường là không đúng, bởi sự thực chỉ có 3 người ký vào tài liệu đó, gồm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn trường. “Chúng tôi khẳng định, không hề biết nội dung của bản báo cáo này cho đến khi đọc được trên báo”, các giáo viên khẳng định.
Mới đây, trả lời phỏng vấn PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (bộ GD&ĐT) khẳng định: “Hiện tại đã phân cấp quản lý, địa phương là nơi tuyển dụng cán bộ, giáo viên nên phải có phương án xử lý nghiêm. Về phía Bộ, chúng tôi quan điểm xử lý phải đúng người, đúng tội để làm gương. Đã là giáo viên thì càng phải trung thực, chúng tôi không bao che những hành vi gian dối của giáo viên”.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Công Luân