Mỹ nêu điều kiện cho một thỏa thuận hạt nhân Iran mới. Mỹ sẽ gia tăng áp lực tài chính lên Iran với "những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử". Đây là cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 21/5 cùng với 12 yêu sách của Washington đối với Tehran như là điều kiện để thảo luận một thỏa thuận hạt nhân mới.
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là JCPOA, thay vào đó đưa ra 12 yêu cầu cơ bản cho một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran.
Các yêu cầu chính bao gồm yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn, cảnh báo Mỹ sẽ gây áp lực tài chính chưa từng có nhằm đưa Tehran trở lại bàn đàm phán. Cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nêu rõ: "Việc này sẽ kết thúc với những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử".
Ấn Độ, Nga nhất trí về tầm quan trọng xây dựng trật tự thế giới đa cực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp cấp cao không chính thức đầu tiên ở thành phố Sochi của Nga.
Cuộc gặp này là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tăng cường tình hữu nghị và trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế cũng như khu vực, theo đúng truyền thống trao đổi chính trị cấp cao giữa Ấn Độ và Nga.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga là một nhân tố quan trọng cho hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời chia sẻ quan điểm rằng hai nước có vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng một trật tự thế giới mở và bình đẳng. Về khía cạnh này, hai bên ghi nhận vai trò của nhau với tư cách là các cường quốc lớn có trách nhiệm trong duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu.
Vợ chồng Hoàng tử Harry công bố ảnh đám cưới. Hoàng tử Harry và hôn thê Meghan cảm ơn những người đã tham dự đám cưới của họ và công bố những bức ảnh đầu tiên về hôn lễ.
Hoàng tử Harry và hôn thê, nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle, vừa kết hôn hôm 19/5 tại London, Anh. Họ chính thức được sắc phong trở thành Công tước và Nữ Công tước xứ Sussex sau đám cưới.
Điện Kensington hôm nay đăng một thông báo trên mạng xã hội Twitter cho hay vợ chồng Hoàng tử Harry muốn "gửi lời cảm ơn tới những người tham dự hôn lễ của họ hồi cuối tuần qua", theo Reuters.
"Họ cảm thấy may mắn vì có thể chia sẻ ngày hạnh phúc của mình với tất cả những người hiện diện tại lâu đài Windsor cũng như những người theo dõi lễ cưới qua sóng truyền hình ở Anh, Khối Thịnh vượng Chung hay trên toàn thế giới", thông báo cho biết.
Dự luật cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ gặp khó. Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà đầu tư của dự án máy bay chiến đấu F-35, tham gia dự án trong giai đoạn nghiên cứu phát triển hệ thống và quảng bá. Công ty Lockheed Martin giải thích rằng, với tư cách là một đối tác, bộ công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đủ điều kiện để trở thành nhà cung cấp F-35 trên toàn cầu trong quá trình thực hiện dự án với giá trị có thể tới 12 tỷ USD.
Tạp chí Jane's Defence Weekly (Anh) cho biết, là một đối tác, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có thể mua F-35 qua con đường đối ngoại quân sự, mà còn có thể mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Điều này sẽ khiến dự thảo luật cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ mà các nhà lập pháp Mỹ đưa ra đối diện với một tình huống phức tạp.
Trước đó, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ David Cicilline đã đề xuất dự luật cấm bán hoặc chuyển giao tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35, quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu kỹ thuật cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trừ khi Tổng thống Mỹ chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng được những điều kiện: không làm giảm khả năng hiệp đồng tác chiến của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), không tiết lộ vũ khí trang bị của NATO cho các nước đối địch và không làm suy giảm an ninh chung của các thành viên NATO.
Thụy Điển phát hướng dẫn đối phó với chiến tranh cho 4,8 triệu hộ dân. Tài liệu hướng dẫn dài 20 trang với tựa đề "If Crisis or War Comes" (Nếu khủng hoảng hay chiến tranh bùng nổ) đưa ra lời khuyên, hướng dẫn người dân cách đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như thức ăn, nước uống hay tìm kiếm nơi trú tránh bom trong trường hợp có chiến tranh, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Thụy Điển thực hiện một chiến dịch tuyên truyền về nguy cơ chiến tranh trong hơn nửa thế kỷ. Bản hướng dẫn cũng kêu gọi tất cả người dân Thụy Điển phải có trách nhiệm hành động nếu đất nước bị đe dọa và "không bao giờ đầu hàng".
Xem thêm >> Tin nóng thế giới ngày 21/5: Mỹ tuyên bố ngừng chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Đ.V (Tổng hợp)