Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, BS.Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, hiện có rất nhiều trang web của các hội "bà mẹ bỉm sữa" được lập ra với mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như: Cách chăm con khi bị ốm, cách ở cữ... Những trang web này rất bổ ích vì các chị em được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng theo vị bác sĩ này, đôi khi không phải chia sẻ nào là có lợi. "Tôi không biết là các chị, các mẹ có biết tường tận về các vấn đề đó không nhưng có những trào lưu đã đem lại những khó khăn cho những người làm nghề y như tôi, điển hình như vụ anti vắc-xin, thậm chí có người còn đứng ra lập thành một nhóm phản đối việc dùng vắc-xin; hay là trào lưu anti vitamin K…", BS. Quang nói.
BS. Quang cũng cho rằng, không hiểu cơ sở gì, lý thuyết ở đâu mà các mẹ, các chị lại dám tin vào những trào lưu như vậy. "Tôi hỏi các chị, các mẹ một câu như này nhé: Bác sĩ với “người chia sẻ” thì ai mới là người có kiến thức về y học? Ai mới là người chữa bệnh, cứu người? Dĩ nhiên là bác sĩ rồi. Vậy mà nhiều người không tin vào bác sĩ mà lại đi tin vào cái gọi là “người chia sẻ” - người không có một tý kiến thức nào về y học. Bởi thế, có rất nhiều trường hợp đáng buồn đã xảy ra chỉ vì người mẹ đi tin vào cái gọi là “trào lưu”. Có trường hợp may mắn là được cứu chữa kịp thời nên không sao, nhưng có trường hợp thì may mắn đã không xảy ra", BS.Quang cảnh báo.
Cũng theo chia sẻ của BS.Quang, anh từng được một đồng nghiệp ở bệnh viện khác bật mí về một trường hợp gặp sự cố đáng tiếc vì tin theo trào lưu. Chỉ vì tin vào một trào lưu được gọi là trường phái thuận theo tự nhiên nên khi con bị sốt nhiều ngày nhưng người mẹ trẻ nhất quyết không cho con đi bệnh viện và không cho con dùng thuốc. Vì tin là để tự nhiên con sẽ tự khỏi. Sau đó nhiều ngày, bệnh tình không giảm, người mẹ đưa con tới bệnh viện nhưng chỉ cho bác sĩ truyền nước chứ nhất quyết không cho dùng kháng sinh (mặc dù lúc này bé bị viêm màng não mủ rất nặng và bác sĩ đã nói hậu quả nếu không điều trị bằng kháng sinh thì bé có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng). Sau đó tình trạng của bé chuyển biến nguy kịch thì người mẹ mới đồng ý để bác sĩ điều trị. Nhưng cháu bé đã không qua khỏi vì tình trạng chuyển biến nặng, thuốc không đáp ứng được, cháu bé mất vào đêm. Sau khi bé mất, bà mẹ này còn cho rằng vì bác sĩ sử dụng thuốc cho bé nên bé mới không qua khỏi.
Dẫn câu chuyện, BS.Quang tự đặt câu hỏi: "Thật sự là tôi cũng không còn biết nói gì nữa. Tôi không hiểu lý do gì mà các mẹ, các chị lại có thể tin một cách mù quáng vào những những trào lưu như vậy?".
Dưới đây là những lời khuyên của BS.Trần Vũ Quang giúp những bậc cha mẹ có kiến thức trong việc chăm sóc con:
-Kháng sinh vẫn luôn là đề tài nóng hổi trong các diễn đàn về chăm sóc sức khỏe, ngay cả trong giới khoa học. Kháng sinh có thể diệt được vi khuẩn nhờ những cơ chế chính như ức chế tổng hợp màng tế bào của vi khuẩn, kích hoạt các men phá hủy màng tế bào của vi khuẩn, tăng tính thấm màng tế bào vi khuẩn, cản trở tổng hợp protein và chuyển hóa acid nucleic của vi khuẩn.
-Kháng sinh sẽ hỗ trợ hiệu quả và là loại thuốc cần thiết trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng kháng sinh, bởi mặt trái của việc lạm dụng kháng sinh là đẩy con người đến mối nguy hiểm mới là kháng kháng sinh.
-Sự kháng kháng sinh của vi khuẩn một phần là do tự nhiên vì quá trình đấu tranh để sinh tồn của vi khuẩn, một phần là do sử dụng kháng sinh không đúng cách. Trong thực tế điều trị hiện nay, có một số nguyên nhân gây nên sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn như:
Dùng thuốc kháng sinh không đủ thời gian, không đủ liều lượng làm cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết và biến đổi để trở nên kháng thuốc.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh thành thói quen và phổ biến như không có bệnh nhiễm khuẩn cũng dùng kháng sinh làm cho các vi khuẩn có lợi cho cơ thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh kháng lại với kháng sinh.
Dùng thuốc kháng sinh không đúng loại như khi bị mắc bệnh nhiễm khuẩn nhạy cảm với kháng sinh này lại dùng loại kháng sinh khác, làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn biến đổi để kháng lại với kháng sinh.
-Để không xảy ra tình trạng kháng kháng sinh thì mọi người cần tuân theo nguyên tắc là “đúng” và “đủ”. “Đúng” ở đây là dùng đúng loại kháng sinh cho đúng loại bệnh đó. Còn “đủ” là dùng đủ về liều lượng. Và đồng thời không nên lạm dụng kháng sinh.
-Khi trẻ bị ốm, phụ huynh cần theo dõi nghiêm ngặt tình trạng của con. Nếu bé sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt cao không dứt kèm co giật, nôn mửa… thì cần đưa đến bệnh viện để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để bảo đảm an toàn.
Ngân Giang