Những đòn tra tấn kinh hoàng
Gia đình nữ biệt động Nguyễn Thị Mai nằm trên đường Bàu Cát, quận Tân Phú (TP.HCM), khi chúng tôi tới thăm, bà đang lui cui gói từng chiếc bánh giò để bán mưu sinh.
Người nữ biệt động ngày nào nay tuổi đã 70. Bà đưa tay lau những giọt mồ hôi trên gương mặt hiền hòa, chịu đựng và hồi tưởng: "Hồi đó nghe má và anh hai kể chuyện về luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam tàn sát Cộng sản. Chuyện những người yêu nước bị kéo lê sau xe nhà binh máu thịt rơi vãi đầy đường... Mình nghe chịu không được thì đi làm cách mạng thôi".
Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đại Lộc - Quảng Nam, từ nhỏ Mai đã làm giao liên cho huyện đội. Năm 1964, khi 21 tuổi, ngưỡng mộ "tiếng tăm" Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cô đã xin mẹ vào Sài Gòn gia nhập đội biệt động 90C chiến đấu.
Một ngày giữa năm 1965, Mai đang vận chuyển 30 kíp nổ cùng tập tuyền đơn từ Củ Chi vào nội thành thì bị bắt. Cô bị dẫn về bốt Hàng Keo - bốt khét tiếng với những tên "đồ tể" nhà nghề cùng hình thức tra tấn man rợ. Và Mai đã trải qua hầu hết các loại cực hình tàn khốc nhất mà chính quyền Sài Gòn không từ mọi thủ đoạn tra khảo để moi thông tin. "Nó đánh đá hả hê rồi nó kẹp vào hai bên ngực, hai bên tai tra điện. Mình chết tươi rồi nó tạt nước cho tỉnh lại nó tra tiếp..." - bà bồi hồi kể lại. Rồi chúng lấy tăm chống hai mí mắt Mai lên, dùng đèn pha công suất lớn chiếu thẳng vào. "Nó nhức nhối như muốn nổ hai con ngươi ra ngoài, đầu óc quay cuồng”- nét mặt bà bàng hoàng kể.
Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, Mai nhớ lời dặn của má trước lúc ra đi: "Con có bị bắt thì dù bất cứ giá nào cũng không được khai. Lỡ con có chết thì má rất buồn nhưng không đau bằng con phản bội tổ chức, phản bội đồng đội của mình. Con đừng làm gì nhục nhã cho gia đình và dòng họ nghe con". Và Mai đã giữ tròn khí tiết. Tức giận, chúng lại cột hai chân Mai treo ngược lên lơ lửng để đánh đ