Diễn biến mới vụ nữ tiếp viên hàng không bị xe Mercedes tông
Ngày 8/8, Chi cục THADS quận Gò Vấp, TP.HCM đã cưỡng chế thi hành án bổ sung bằng biện pháp kê biên căn hộ A14-09 chung cư Dream Home (phường 14, quận Gò Vấp) của Nguyễn Trần Hoàng Phong (người lái xe Mercedes).
Chi cục THADS quận Gò Vấp đọc thông báo cưỡng chế thi hành án bổ sung tại căn hộ Dream home của ông Nguyễn Trần Hoàng Phong. Ảnh: Song Mai
Phía đại diện Chi cục THADS quận Gò Vấp cho biết: Ngày 14/2/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận đã ra lệnh kê biên căn hộ chung cư của Phong để đảm bảo thi hành án.
Biên bản kê biên tài sản ngày 15/2/2022 của Cơ quan CSĐT Công an quận Phú Nhuận chưa thể hiện đầy đủ về hiện trạng căn hộ, các thông số kỹ thuật… nên Chi cục THADS quận Gò Vấp cưỡng chế thi hành án bổ sung.
Việc cưỡng chế thi hành án bổ sung này nhằm đảm bảo cho việc ông Phong thi hành bản án.
Theo nội dung bản án, Phong là tài xế lái xe Mercedes tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grabbike) chở chị Nguyễn Thị Bích Hường (khi bị tai nạn là tiếp viên hàng không) tại phường 9, quận Phú Nhuận. Vụ tai nạn khiến ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%.
Tháng 7/2022, TAND quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm tuyên phạt Phong 7 năm tù, buộc bồi thường 1,5 tỉ đồng cho chị Bích Hường, 417 triệu đồng cho gia đình ông Thường.
Tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán căn hộ giữa Phong và mẹ ruột; duy trì lệnh kê biên căn hộ chung cư.
Sau tiệc cưới, cả làng đau bụng
Ngày 8/8, ông Trần Vũ Phong - Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho biết, đang chỉ đạo chính quyền địa phương xác minh thông tin nhiều người dân trên địa bàn nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc cưới.
Khoảng 11h hôm 6/8, một đám cưới diễn ra ở Nhà văn hoá thôn Tùng Giang, xã Quảng Châu. Đám cưới này mời hơn 500 khách, phần đông là người dân trong thôn và bạn bè của gia chủ hai bên.
Cỗ cưới gồm các món: gà, bò, dê, cháo và một số món ăn khác do Nhà hàng L.H ở xã Quảng Hợp phục vụ, chế biến.
Tối cùng ngày cho đến sáng hôm sau (7/8), hàng trăm người dân ở thôn Tùng Giang và nhiều vị khách được mời dự tiệc cưới hôm đó bỗng dưng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Trong đó có nhiều trẻ em.
Nhiều người đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà, một số có biểu hiện nặng hơn thì đến thăm khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Nhân viên pháp y ở Đà Nẵng chặn xe, đòi tiền "dịch vụ riêng"
Xe cấp cứu giá rẻ của người nhà nạn nhân bị ông Lê Viết Dũng chặn vào khuya 7/8. Công an địa phương phải có mặt để bảo đảm an ninh khu vực
Sáng 7/8, tại đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến nữ du khách 23 tuổi người Hải Dương tử vong tại chỗ.
Khoảng 20h cùng ngày, người nhà du khách này đến Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) để nhận bàn giao thi thể. Ông Hà, người nhà nạn nhân phản ánh, ông Lê Viết Dũng (y công tại trung tâm) yêu cầu người nhà chuyển 14 triệu đồng vào số tài khoản mang tên ông ta rồi mới được dẫn vào trong. Ông Dũng giải thích đó là chi phí để khám nghiệm, may thẩm mỹ và tiêm thuốc cho tử thi.
"Chuyển tiền xong, chúng tôi thuê xe cấp cứu để đưa thi thể về Hải Dương nhưng ông Dũng ngăn lại, yêu cầu phải dùng xe cấp cứu do trung tâm đã gọi từ trước" - ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, thời điểm trên, ngoài cổng trung tâm đã có 1 xe cấp cứu chờ sẵn. Đồng thời, hàng chục thanh niên lạ mặt qua lại, tập trung gây sức ép.
Phải đến hơn 0h, khi công an địa phương có mặt, tình hình mới được giải quyết. Xe cấp cứu của người nhà được tiếp cận, đưa thi thể nạn nhân lên xe về quê.
Liên quan đến vụ việc, ông Dũng giải thích, khoản tiền 14 triệu đồng là "dịch vụ riêng", gồm may tái tạo, vệ sinh, quần áo cho thi thể nạn nhân. "Vì người nhà liên hệ, nhờ làm để thẩm mỹ cho nạn nhân nên anh em mới làm" - ông Dũng phân bua.
Về nghi vấn "bảo kê" xe cấp cứu, ông Dũng cho rằng mình chỉ "gọi giùm chứ không hề có tư lợi".
Ông Mai Xuân Ngọc - Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng cho hay, ông Dũng không phải là bác sĩ, chỉ là y công chuyên giúp việc cho các bác sĩ, giám định viên khi giám định tử thi. "Dịch vụ riêng" với giá 14 triệu đồng không có trong nhiệm vụ, công tác được phân công của trung tâm. Trung tâm không có quyền, nghĩa vụ chỉ định cũng như từ chối xe cứu thương ra vào cơ sở.
Sạt lở hầm đường sắt ở Quảng Bình, 8 đoàn tàu mắc kẹt
Vị trí vụ sạt lở hầm đường sắt Bắc - Nam.
Sự cố sạt lở xảy ra lúc 15h30 ngày 7/8. Đây là công trường thi công gia cố hầm số 2, Km 455 đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Phong Hóa. Hiện trường cho thấy, khoảng 4,6m3 đất đá từ nóc hầm cũ sạt lở xuống đường sắt.
Vụ sạt lở làm hỏng một bộ khung chống tạm, không gây thiệt hại về người. Rất may, thời điểm sạt lở không có đoàn tàu nào chạy qua hầm.
Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do trần hầm đã yếu lại ngấm nước mưa nên mất sự dính kết.
Đến 19h50 cùng ngày, vị trí sạt lở được khắc phục xong.
Sự cố làm 5 đoàn tàu với hơn 700 hành khách và 3 tàu hàng phải dừng chờ tại các ga dọc đường.
"Giải cứu" gần 10.000 con gà chết ngạt ở Hà Tĩnh
Gà của gia đình anh Xuân chết hàng loạt sau sự cố chập điện (Ảnh Hương Khê 24h)
Sáng 8/8, ông Võ Xuân Lễ, Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn xã này vừa xảy ra một vụ chập điện tại trang trại của gia đình anh Phan Văn Xuân khiến gần 10.000 con gà bị chết ngạt.
Anh Phan Văn Xuân (ngụ thôn 3, xã Phúc Đồng) cho hay, vào khoảng 11h tối 7/8, khu trại xảy ra sự cố chập điện khiến gần 10.000 con gà sắp xuất chuồng bị chết ngạt, ước tính thiệt hại khoảng hơn 1,2 tỉ đồng.
Ông Lễ cho biết, sau khi nhận được thông tin, xã đã huy động các cơ quan đoàn thể đến giúp đỡ gia đình anh Xuân, đồng thời kêu gọi người dân tham gia giải cứu số gà trên cho gia chủ, nhằm san sẻ một phần nào đó thiệt hại cho vợ chồng anh Xuân.
Yến Ngọc (tổng hợp)