Bắt một giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN
Bị can Nguyễn Danh Sơn
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, ngày 9/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Danh Sơn (SN 1966, Giám đốc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Danh Sơn.
Trước đó, ngày 3/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can, lệnh khám xét chỗ ở về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 5 người, trong đó có Phó Trưởng phòng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng (Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương), Trưởng phòng Phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, EVN) và 3 chuyên viên.
Lý do nữ giám đốc doanh nghiệp buôn gỗ có tiếng bị bắt
Sáng 9/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hoan (SN 1968, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) về tội Buôn lậu.
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố Nguyễn Thị Hoan. Ảnh: Công an cung cấp
Theo điều tra, năm 2021, Công ty Anh Pháp Việt do bà Hoan làm giám đốc ký hợp đồng xuất khẩu một lô hàng (gỗ trắc) sang Trung Quốc.
Quá trình làm thủ tục, công ty này kê khai hồ sơ xuất khẩu không phù hợp với số lượng lô hàng. Do cửa khẩu phía Trung Quốc không đủ điều kiện giám sát nhập khẩu gỗ nên lô hàng bị trả lại.
Tháng 3/2022, khi công ty này đang đăng ký thủ tục tái nhập khẩu lô hàng về Việt Nam thì bị phát hiện, bắt giữ. Qua kiểm tra, số lượng hàng hóa được vận chuyển không đúng với số lượng công ty này đăng ký xuất khẩu và tái nhập khẩu.
Được biết, Công ty Anh Pháp Việt là một trong những doanh nghiệp kinh doanh gỗ, sản xuất đồ gỗ... có tiếng ở Nghệ An.
Công an Thái Bình nói về vụ Trung tá công an đùa có súng trên máy bay
Liên quan đến vụ một hai hành khách hỏi nhau “súng cất ở đâu” khiến chuyến bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội phải hoãn cất cánh, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương làm rõ.
Kết quả ban đầu cho thấy, tối 7/11, Trung tá Lê Xuân Quang (Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Bình) đi chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội cùng anh Lê Đức Trọng (quê quán Tiền Hải, Thái Bình) có liên quan đến sự việc như phản ánh.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, hiện tại Trung tá Lê Xuân Quang đang đi học lớp Văn bằng 2 tại Trường Đại học Hậu cần – Kỹ thuật CAND, chịu sự quản lý trực tiếp của nhà trường. Do đó, việc xác minh, xem xét xử lý do nhà trường thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Trước đó, khoảng 18h46', quá trình lên máy bay, ổn định chỗ ngồi (chuyến bay số hiệu VN186, chặng bay Đà Nẵng-Hà Nội), hai hành khách trên đã đùa giỡn, hỏi qua lại với nhau việc “đem theo súng, cất trong hành lý”... Khi tiếp viên truy hỏi thì 2 hành khách trên trình bày là “chỉ nói đùa”.
2 hành khách trên được áp giải xuống khỏi tàu bay, tái kiểm tra an ninh đối với toàn bộ hành khách, hành lý xách tay và tiến hành lục soát tàu tàu bay nhưng không phát hiện vật phẩm nguy hiểm, chất cấm, chất nổ. Đến 22h cùng ngày, chuyến bay mới được tiếp tục thực hiện hành trình.
Diễn biến mới vụ Phó Chủ tịch quận ký nhiều văn bản khi đã nghỉ công tác
Ngày 9/11, Văn phòng UBND quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin các cơ quan chức năng của quận đang rà soát vụ việc bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận đã có quyết định cho nghỉ công tác nhưng vẫn đi làm và ký hàng chục văn bản trong các ngày 1 đến 3/11.
Sau khi rà soát, nếu phát hiện những văn bản đã được bà Hòa ký nhưng không đúng quy trình, quận sẽ tiến hành thủ tục để thu hồi.
Bà Phạm Thị Hòa trong một cuộc họp thời điểm bà còn là Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông (Hà Nội)
Trước đó, UBND TP Hà Nội có quyết định cho bà Phạm Thị Hòa nghỉ công tác từ ngày 1/11. UBND quận Hà Đông cho biết, TP có quyết định cho bà Hòa nghỉ công tác từ ngày 1/11, nhưng đến ngày 3/11 mới gửi về quận.
Bà Phạm Thị Hòa cho hay cá nhân bà không biết bản thân đã được cho nghỉ từ ngày 1/11 nên vẫn nhận các công việc do quận Hà Đông phân công.
Bà Phạm Thị Hòa sinh năm 1969 (54 tuổi), còn hơn 2 năm công tác. Ngày 3/8/2023, bà Hòa đã có đơn xin được nghỉ hưu trước tuổi do quận dự kiến bố trí công tác khác không phù hợp với bản thân.
Liên quan đến sự việc, ngày 9/11, bà Hòa cũng có đơn khiếu nại quyết định của UBND TP Hà Nội. “Quá trình xử lý đơn và ban hành quyết định nghỉ công tác đối với tôi không đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân”, bà Hòa nêu trong đơn.
Phương Hà (tổng hợp)