Tin tức Đời sống 10/12: Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ

Tin tức Đời sống 10/12: Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ

Thứ 3, 10/12/2024 12:59

Cập nhật tin tức Đời sống ngày 10/12: Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ; Truyền hơn 2l máu cứu trường hợp mắc sốt xuất huyết hiếm gặp...

Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Loan, nguyên Trưởng khoa Da liễu – Cơ xương khớp, Bệnh viện Giao thông Vận tải, nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ là do thiếu hụt khoáng chất, canxi và vitamin D trong chế độ dinh dưỡng. Canxi là một trong những chất quan trọng giúp xây dựng và bảo toàn cấu trúc xương.

Bên cạnh đó, vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể. Người trẻ thường không chú ý bổ sung đúng cách nên dễ bị thiếu hụt. Đặc biệt, ngày nay người trẻ có thói quen ăn thức ăn nhanh, đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn. Điều này là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt canxi và các dưỡng chất quan trọng khác cho hệ thống xương khớp.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với guồng xoáy công việc và học tập có thể khiến người trẻ dành ít thời gian cho hoạt động thể chất. Việc thiếu tập luyện đều đặn ảnh hưởng đến sức khỏe xương và cơ bắp, làm giảm khả năng chịu đựng của xương. 

Ngoài ra, các thói quen tiêu cực như hút thuốc lá và sử dụng rượu bia cũng góp phần gây loãng xương ở người trẻ. Nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể.

Rượu bia có thể làm giảm hấp thụ canxi qua ruột, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin D. Điều này dễ gây tác động đến mật độ xương. Đặc biệt, uống rượu bia quá mức còn làm tăng nguy cơ mất tế bào tạo xương và nguyên bào xương, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe xương khớp.

Truyền hơn 2l máu cứu trường hợp mắc sốt xuất huyết hiếm gặp

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TPHCM - sáng nay (10/12) cho biết đơn vị mới tiếp nhận một trường hợp hiếm gặp, khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng kèm xuất huyết tiêu hóa.

Tin tức Đời sống 10/12: Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương ở người trẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, trẻ P.V.T. (14 tuổi, ngụ Bình Thuận) sốt cao trong 2 ngày, sau đó nôn ra máu tươi và đi ngoài phân đen. Tại bệnh viện địa phương, T. được chẩn đoán sốt xuất huyết, truyền điện giải nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết ngày thứ 3, có xuất huyết tiêu hóa nghi do loét dạ dày tá tràng. Trẻ ngay lập tức được truyền dịch và bù hơn 2 lít chế phẩm máu.

Điều tra bệnh sử, T. bị đau bụng 4 tháng. Tại bệnh viện địa phương, em được chẩn đoán viêm dạ dày tá tràng, uống thuốc theo toa nhưng không tái khám lại.

Sau khi truyền máu, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng. Kết quả nội soi tiêu hóa ghi nhận tá tràng có vết loét gây chảy máu. Ngay lập tức, trẻ được xử trí cầm máu nhưng vẫn nôn ra máu và đi tiêu phân đen nhiều lần, diễn tiến nặng hơn.

Bệnh nhi tiếp tục được truyền máu và nội soi. Các bác sĩ phát hiện hành tá tràng trẻ có các cục máu đông to, khó xác định mạch máu. Trẻ ngay lập tức được can thiệp nội mạch, chặn nguồn máu cấp cho vùng tá tràng bị loét bằng cách đưa dụng cụ vào qua động mạch đùi.

Sau khi xử trí, trẻ dần ổn định, không còn xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhi được cai máy thở sau đó và tiếp tục điều trị tại khoa Tiêu hóa.

Bác sĩ cảnh báo từ vụ nữ ca sĩ Thái Lan tử vong khi massage cổ vai gáy

Mới đây, thông tin về một nữ ca sĩ người Thái Lan tử vong sau khi đi massage cổ vai gáy đã khiến dư luận Thái Lan xôn xao.

Theo bác sĩ Calvin Q. Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng và Hình thể HMR, cổ là một bộ phận quan trọng và cũng rất yếu trong cơ thể. Tủy sống ở vùng cổ là nơi dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ não xuống toàn bộ cơ thể. Do đó, bất kỳ tổn thương nào ở khu vực này đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Trong quá trình massage, nếu nhân viên không được đào tạo bài bản hoặc cố gắng thể hiện khả năng trị liệu bằng cách sử dụng lực mạnh, tạo tiếng kêu bẻ khớp, ấn sâu hoặc thậm chí dùng búa gỗ để tác động mạnh vào cột sống thì có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng như di lệch, vỡ, chèn ép, chảy máu, phù nề… Những tổn thương này có thể gây hại đến tủy sống, đặc biệt là ở những người có bệnh nền như thoái hóa cột sống hoặc loãng xương.

Một chấn thương nhẹ ở cột sống có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tổn thương nặng cho tủy sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động và cảm giác tại các vùng thần kinh chi phối. Trường hợp tổn thương tủy sống ở vùng cổ cao (C3 trở lên) có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.