Hiệu quả chữa bệnh bất ngờ từ lá mơ, giảm đau xương khớp
Theo BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP.HCM), dây mơ lông hay mơ tam thể có hai loại: lá mơ tía (mặt dưới lá màu tía) và lá mơ xanh; tên khoa học là Paederia tomentosa và Paederia foetida.
Gọi là dây mơ lông vì cả hai mặt của lá đều có nhiều lông, rất mịn. Cây có tinh dầu rất hăng, có mùi bisunfua cacbon, có hai chất ancaloit paderin và một tan trong ête kết tinh ở dạng kim nhỏ, một chất vô định hình, hơi tan trong rượu amylic, clorofoc và benzen.
Theo dược học cổ truyền, mơ lông vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng.
Thường được dùng để chữa các chứng phong thấp, đau nhức, đau bụng, kiết lỵ, phù thũng, đầy bụng, chậm tiêu, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng (cam tích, gan, lách sưng to, trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), mụn nhọt mọc ở lưng, bạch đới, tổn thương do trật đả...
Lá mơ lông có tinh dầu rất hăng và có chứa nhiều vitamin C giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và tăng cường sức đề kháng.
Lá mơ lông chữa bệnh đường ruột là bởi lá mơ tác dụng như một loại thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn đường tiêu hóa.
Có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày và chữa lành những tổn thương ở niêm mạc dạ dày.
Lá mơ lông có tính mát nên có tác dụng điều hòa khí huyết, cân bằng hệ tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng,…
Trong lá mơ lông còn có chứa hoạt chất Alkaloid giúp phòng ngừa quá trình oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá mơ lông có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn và trị các bệnh về đường tiêu hóa rất tốt. Liều dùng 20 - 30g/ngày, có thể dùng đến 50g vẫn an toàn.
Đặc biệt, dân gian cho rằng, lá mơ lông có khả năng trị đau mỏi các khớp chân tay, trị phong tê thấp rất hay nên thường sử dụng để chữa các bệnh xương khớp.
Để thực hiện bài thuốc với lá mơ lông, chúng ta cần khoảng 30- 50g lá hoặc rễ cây mơ lông, đem sắc với gừng rồi chia ra 2 phần, 1 phần dùng để xoa bóp khớp bị đau hàng ngày, phần còn lại chỉ cho chút đường vào uống. Kiên trì kết hợp uống thuốc và xoa thuốc như vậy sẽ mang đến hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Để chữa gút có thể áp dụng 1 trong các cách sau:
Dùng lá mơ lông ăn trực tiếp hàng ngày: Đối với những bệnh nhân bị gout thì nên mỗi ngày ăn tầm 50 lá mơ, ăn liên tiếp như vậy trong 3 tháng liên tục, rồi giảm xuống còn khoảng 30 – 40 lá mỗi ngày. Tiếp tục ăn trong vòng 12 tháng sẽ thấy hiệu quả, bạn có thể kết hợp chế biến ăn lá mơ cùng với các món ăn khác để tránh nhàm chán.
Sắc nước uống: Trực tiếp sử dụng lá mơ tươi đem rửa sạch, cắt ngắn cả dây và lá mơ rồi đem phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ. Đem sắc với nước uống hàng ngày. Mỗi lần dùng khoảng 30 - 50gr lá mơ khô đem sắc cùng với khoảng 3 bát nước nhỏ, đun nhỏ lửa và sắc tới khi còn khoảng 1 bát con thì tắt bếp, để bớt nguội rồi uống.
Nước sắc lá mơ rừng: Nếu như bạn không tìm được lá mơ tươi tự làm thì bạn có thể ra các tiệm thuốc Đông y để mua nhưng phải đảm bảo đúng là lá mơ rừng. Cách sử dụng cũng giống như ở trên, mỗi ngày uống 2 lần bao gồm sáng và tối, nhớ uống trước khi ăn để phát huy tác dụng. Hoặc cũng có thể đem sắc làm 2 lần/ngày, mỗi lần lấy 1/2 - 2/3 bát.
Nhiều học sinh tiểu học Hà Nội thừa cân, béo phì
Một số trường tiểu học khu vực nội thành Hà Nội có tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%. Đây là thông tin vừa được đưa ra tại hội nghị triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 – 2021: đánh giá tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017 - 2021 (mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), kết quả cho thấy học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8% (THCS: 16,8%, THPT: 11,3%). Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm, khu vực nội thành cao hơn ngoại thành (một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%).
Đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng thừa cân, béo phì gây ra, bà Kiều Anh cho biết, trẻ bị thừa cân, béo phì dễ chịu ảnh hưởng về tâm lý, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như: Đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư… Nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, do đó, nếu can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng; phòng, chống tai nạn thương tích; bảo đảm vệ sinh thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, các bệnh không lây thừa cân, béo phì... Những hoạt động này đã dần đi vào nền nếp và từng bước góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của học sinh.
Nhằm hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ em, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Mô hình can thiệp hướng tới phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thừa cân, béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp; cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân, béo phì tại trường học và gia đình; tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp... Trước mắt, mô hình này sẽ được thực hiện tại trường một số trường như: Trường tiểu học La Thành, quận Đống Đa; Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm; Trường tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông...
Trước đó năm 2023, thông tin từ Sở GDĐT TPHCM cũng cho thấy trong số gần 99% học sinh được khám sức khỏe ban đầu, có tới 32,2% học sinh béo phì. Tỷ lệ học sinh béo phì ở mức cao tại TPHCM đã được ngành y tế cảnh báo cách đây nhiều năm. Trong đó nguyên nhân khiến học sinh béo phì là do các em ít có thời gian, điều kiện để vận động thân thể. Nhiều học sinh chọn cách giải trí bằng các thiết bị điện tử thay vì chơi thể thao. Đó là chưa kể thói quen ăn uống quá nhiều tinh bột và chất đạm nhưng thiếu rau, củ… cũng khiến học sinh béo phì, thừa cân.
Theo kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em độ tuổi 5 - 19 tuổi tăng gần gấp 3 lần từ năm 2010 đến 2020. TS.BS Phan Thị Bích Nga - Trưởng Khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cảnh báo về hậu quả của việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là đối với bánh kẹo và nước ngọt, góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì.
Người cao tuổi có nên uống vitamin tổng hợp mỗi ngày?
Ths.BS Nguyễn Thị Kim Oanh (Phó Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, nhiều người già, người cao tuổi cho rằng việc ăn uống kém khiến cơ thể không có đủ chất do vậy thường tự ý bổ sung các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể thông qua ăn uống hàng ngày với các thực phẩm tự nhiên vẫn là tốt nhất.
Với những người cao tuổi gặp vấn đề về tiêu hóa hoặc kém hấp thu khiến cơ thể không đủ vitamin, khoáng chất có thể lựa chọn uống thêm sữa để bổ sung chất dinh dưỡng. Trong đó, người cao tuổi nên ưu tiên lựa chọn các loại sữa tươi là tốt nhất.
Người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, tim mạch… do đó cần sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị. Khi bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng hoặc vitamin sẽ làm tăng lượng thuốc đưa vào cơ thể từ đó ảnh hưởng đến khả năng dung nạp. Bên cạnh đó không tránh khỏi các tương tác thuốc có thể gây ra phản ứng phụ.
Do vậy khi muốn bổ sung vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng, người cao tuổi cần phải có ý kiến của bác sĩ điều trị. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của từng người, bệnh lý nền đi kèm để đưa ra các loại vitamin, khoáng chất phù hợp với liều lượng hợp lý.
Người cao tuổi hoặc người thân trong gia đình cũng không nên tự ý mua các loại vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng cho người cao tuổi sử dụng. Việc tự ý sử dụng các loại vitamin tổng hợp hay thực phẩm chức năng có thể gây ra các phản ứng phụ không tốt cho sức khỏe thậm chí lãng phí tiền bạc.
Việc bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể thông qua thực đơn hàng ngày với các thực phẩm tươi, sống vẫn là tốt nhất cho sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi thường gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến việc hấp thu kém. Do vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên là đảm bảo an toàn thực phẩm hàng ngày bằng cách ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Để việc hấp thu tốt hơn, đồ ăn nên được chế biến mềm hoặc đồ ăn dạng lỏng.
Người cao tuổi nên ăn các loại đạm thực vật như đậu, lạc, vừng, đậu phụ… và thịt nạc. Nên ăn thực phẩm có nhiều canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, cá… Bên cạnh đó cần tăng cường các loại rau củ quả tươi để cung cấp thêm các vitamin, khoáng chất. Một số loạn rau củ quả nên chọn là: củ cải, cà chua, rau ngót, súp lơ, cà rốt, cam quýt, đu đủ…
Người cao tuổi nên uống gì? Người cao tuổi cần uống đủ nước mỗi ngày và nên uống ít nhất 1,5l nước. Người cao tuổi nên lưu ý không nên uống nhiều người vào ban đêm, trước khi đi ngủ. Thay vào đó nên chia làm nhiều lần uống. Nếu uống quá nhiều nước một lúc có thể gây ra việc rối loạn tiểu tiện, đi tiểu đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối.
T.M (tổng hợp)