Nhiều người cao tuổi ở Việt Nam "gánh" đến 7 bệnh phối hợp
Tại hội nghị lão khoa Quốc gia lần thứ 5 diễn ra ngày 10 và 11/11, PGS-TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội lão khoa Việt Nam, cho biết người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu nhiều gánh nặng bệnh tật.
Tuy tuổi thọ tăng nhưng trung bình mỗi người phải chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh phối hợp. Trung bình mỗi người sau 60 tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh và sau 80 tuổi mắc tới 7 bệnh.
Các bệnh thường gặp là: Mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), thoái hoá khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đây hầu hết là những bệnh phải điều trị suốt đời, thậm chí cần chăm sóc đặc biệt.
PGS Trung Anh cho rằng hiện nhiều người khi trẻ chưa quan tâm đến sức khỏe dẫn đến mắc nhiều bệnh về già. Khi người cao tuổi phát hiện các bệnh như: Tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp... thì có thể bệnh đã diễn biến từ 10 năm trước.
Chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần người trẻ, trong khi trong khi thu nhập trung bình của người cao tuổi chỉ khoảng 537,9 ngàn đồng/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu; hơn 60% người cao tuổi có BHYT,
Khoảng 28% người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như: Vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống; 90% số người cao tuổi cần trợ giúp sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, theo PGS Trung Anh hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) cũng như nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).
Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2021 nước ta có 12,5 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,8%). Ước tính, năm 2038, người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số.
Các chuyên gia lão khoa cho rằng cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (cho bệnh nhân Alzheimer); khu chung cư dành cho người già; từng bước phát triển các trung tâm ban ngày để cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà như: Dọn nhà, đi chợ, cung cấp bữa ăn, điều dưỡng đến nhà chăm sóc, phục hồi chức năng...
Cứu sống hai trẻ sơ sinh mắc bệnh nguy kịch nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục
Tối 10/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh viện đã cứu sống hai trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng, phức tạp, nguy cơ tử vong cao bằng kỹ thuật lọc máu liên tục.
Trường hợp thứ nhất là Huỳnh Thị Thu M. (23 ngày tuổi, trú xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), cân nặng 3,5 kg, nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua ống nội khí quản, phù cứng bì toàn thân, thiểu niệu. Trước đó, tại nhà trẻ sốt cao, đi cầu lỏng hơn 20 lần/ngày, lơ mơ rồi rơi dần vào hôn mê.
Trẻ được chẩn đoán nhiễm trùng huyết nặng, được hồi sức tích cực với thở máy, kháng sinh nhưng tình trạng xấu dần, phù cứng bì ngày càng tăng, phản ứng viêm tăng cao, toan chuyển hóa, suy thận tiến triển.
Xác định đây là một trường hợp nhiễm trùng huyết nặng biến chứng suy thận nặng nguy cơ tử vong 100%, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế lọc máu liên tục kết hợp thở máy xâm nhập và điều trị nội khoa tích cực.
Sau 68 giờ lọc máu liên tục, trẻ được cai máy, các chỉ số sinh tồn ổn định. Và sau hơn 20 ngày điều trị, trẻ bú tốt, lên cân và được ra viện trong niềm vui mừng của gia đình bé và các bác sĩ, điều dưỡng.
Trẻ thứ hai là cháu Nguyễn Thị L. (10 ngày tuổi, trú Tổ dân phố Hải Thành, phường Thuận An, thành phố Huế), cân nặng 2,9kg. Bé vào viện ngày 26/10 với chẩn đoán nghi ngờ rối loạn chuyển hóa bẩm sinh trong tình trạng bỏ bú, hôn mê, thở nấc, được đặt ống nội khí quản và chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau đó, trẻ L. được thở máy, truyền dịch, nhịn ăn hoàn toàn và làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán theo dõi rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nặng, ứ độc chất NH3 gấp hơn 10 lần bình thường.
Xác định đây là trường hợp bất thường, chuyển hóa các acid hữu cơ có trong sữa trẻ đã bú, tích tụ NH3 gây độc thần kinh dẫn tới hôn mê và tổn thương não không hồi phục. Nguy cơ tử vong 100% nếu không chỉ định lọc máu cấp cứu cho trẻ.
Các bác sĩ hội chẩn và tiến hành lọc máu liên tục và điều trị bổ sung Natri benzoate, Arginine, L-carnitine và vitamin B12 cho bệnh nhi. Sau lọc máu 8 giờ, độc chất NH3 giảm được hơn 2/3. Và sau 48 giờ lọc máu, trẻ dần hồi tỉnh, cai máy thở.
Ngay khi chẩn đoán xác định rối loạn chuyển hóa acid hữu cơ, trẻ được điều trị với loại sữa đặc thù cho loại bệnh này. Bé hiện tỉnh táo hoàn toàn, bú sữa mạnh, tăng cân và chuẩn bị xuất viện.
Thiếu máu trầm trọng do bị giun móc ký sinh
Bệnh nhân Đ.V.C (60 tuổi, trú tại TX Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng ăn kém, mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, bụng chướng trong nhiều tháng, đi ngoài phân đen khoảng 1 tuần nên đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khám.
Tại đây, bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày và phát hiện có ổ loét khoảng 10mm ở hang vị dạ dày; đáng chú ý còn có nhiều giun móc ký sinh trong hành tá tràng, tá tràng.
Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ hội chẩn kết luận, bệnh nhân bị thiếu máu rất nặng do xuất huyết dạ dày và nhiễm giun móc trên nền bệnh nhân xơ gan cổ chướng, suy tim, viêm phổi.
Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị bù dịch, điện giải, truyền khối hồng cầu, cầm máu, tẩy giun và điều trị bệnh lý nền tích cực tại Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện.
Sau 10 ngày điều trị, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
T.M (tổng hợp)