Tình trạng dinh dưỡng được cải thiện
Tại cuộc trao đổi về phòng chống vi chất dinh dưỡng, chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2023 với sự tham gia của nhiều chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu do Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa tổ chức, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân.
Cụ thể, chuyên gia này cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Theo số liệu giám sát dinh dưỡng hằng năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỷ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020.
Đồng thời, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao…
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Viện Dinh dưỡng, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng. PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai cho hay: “Một trong những gánh nặng về dinh dưỡng là tình trạng suy dinh dưỡng cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì, kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm”.
Chuyên gia này lý giải, nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý như: Tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả… và thiếu hoạt động thể lực.
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao. Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng Quốc gia năm 2020, tỷ lệ này là 19,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Cụ thể, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020).
Phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc nấm trong xoang mũi
Thông tin từ Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện TW Quân đội 108) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc nấm trong xoang mũi.
Đó là bệnh nhân nữ (65 tuổi) tiền sử khỏe mạnh. Vài tháng gần đây, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng đau vùng đỉnh đầu bên phải, đau âm ỉ kèm theo thỉnh thoảng khịt khạc đờm về buổi sáng, chóng mặt khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác, được chẩn đoán đau đầu theo dõi do thiểu năng tuần hoàn não và uống nhiều đơn thuốc mà tình trạng đau đầu không cải thiện.
Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện TW Quân đội 108 được các bác sỹ khám và chỉ định chụp phim cộng hưởng từ sọ não thì không thấy hình ảnh tổn thương bất thường của nhu mô và mạch máu não, tuy nhiên trong lòng xoang bướm phải có hình ảnh khối tròn nhẵn, nằm về thành trong dưới.
Với hình ảnh tổn thương này chưa loại trừ polip đơn độc xoang bướm, bệnh nhân được chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính mũi xoang, kết quả hình ảnh khối tròn nhẵn trong lòng xoang bướm tăng tỷ trong lòng, các thành xương xoang bướm không bị ăn mòn.
Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nấm xoang bướm phải, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng thực hiện phẫu thuật nội soi mở thông xoang bướm, quan sát thấy có khối nấm kích thước 1x1 cm giống như “hòn bi”, màu nâu đen hình cầu bề mặt nhẵn, cứng chắc.
Sau phẫu thuật bệnh nhân không đặt các vật liệu cầm máu trong hốc xoang, tình trạng đau đầu và chóng mặt giảm ngay sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân được ra viện trong ngày thứ 2 sau mổ.
Thành công nối bàn chân gần đứt lìa ở Nghệ An
Theo đó, ngày 27/11, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân nam, 43 tuổi (ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trong tình trạng gần đứt lìa cổ bàn chân phải khi cắt cỏ.
Bệnh nhân được phía bệnh viện nhanh chóng xử trí hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền máu, giảm đau, thực hiện xét nghiệm... Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối cổ chân đứt lìa.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã được các y bác sỹ tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An thực hiện nối thành công cổ bàn chân phải cho bệnh nhân.
Bệnh viện thông tin, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định. Bàn chân và các ngón chân hồng ấm, có thể cử động nhẹ. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như cũ.
T.M (tổng hợp)