Cẩn trọng với bệnh lao đường ruột
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Viện Phổi Trung ương cho biết, lao đường ruột là một thể bệnh lao ngoài phổi, do trực khuẩn lao gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu. Do không có dấu hiệu đặc hiệu, nên lao đường ruột dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác và dễ bị bỏ qua. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nên những hậu quả khôn lường như tắc ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.
Theo BS Hoàng Thị Phượng, bệnh có thể chẩn đoán chính xác qua các xét nghiệm chuyên sâu.
BS Phạm Thị Quế, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh lao đường ruột thường xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, là bệnh lý ít gặp (chỉ chiếm 1-3%), nhưng rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán, điều trị và tỷ lệ biến chứng rất lớn. Trong cơ thể, trực khuẩn lao thường ngủ yên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì sẽ kích thích vi khuẩn lao hoạt động và gây lao ruột.
Theo BS Quế, bệnh lao ruột xảy ra do 2 nguyên nhân. Với lao ruột nguyên phát thường ít gặp, xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa và khu trú ở ngay ruột, sau đó vi khuẩn lao mới xâm nhập sang các cơ quan khác. Với lao ruột thứ phát lại rất thường gặp sau khi bệnh nhân bị lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng.
Chia sẻ thêm về bệnh lao đường ruột, BS Trương Quốc Thanh, Trung tâm Giải phẫu bệnh Medlatec cho hay, mắc lao đường tiêu hóa, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không đặc hiệu như: Sụt cân, mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài phân máu, tiêu chảy. Trên thực tế, nhiều trường hợp mắc lao nhưng bị chẩn đoán và điều trị nhầm với một số bệnh lý khác.
BS Quế cũng cho rằng, bệnh lao đường ruột xảy ra khá âm thầm, dấu hiệu bệnh thường không đặc hiệu, do đó ít khi người bệnh đến khám ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu bệnh lao ruột thường là biểu hiện bệnh lý đường tiêu hóa như: Buồn nôn; Đau bụng toàn bộ hay khu trú, thường đau nhiều hơn ở hố chậu phải; Đường ruột bị tắc nghẽn; Đầy hơi và sôi bụng thường khu trú ở vùng hố chậu phải; Sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt, suy nhược...
Theo khuyến cáo của BS Phạm Thị Quế, khi thấy có các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh lao ruột, bệnh nhân cần đến bệnh viện, hoặc cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ sẽ có chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán lao ruột khi các bệnh nhân nội soi có tổn thương ổ loét, tổn thương nghi ngờ ở hồi manh tràng; Có tiền sử gầy sụt cân, mệt mỏi chán ăn, triệu chứng đường tiêu hóa, hoặc có tiền sử đã mắc, hoặc có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, nhiễm HIV, dùng corticoid kéo dài… và bệnh nhân chẩn đoán lao phổi AFP dương tính.
Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng.
Nguy cơ tử vong do ngộ độc ở thai phụ
Việc sản phụ ngộ độc thực phẩm không phải là trường hợp hãn hữu. Theo bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong quá trình mang thai, nếu bị ngộ độc thực phẩm, thai phụ dễ rơi vào tình trạng nặng hơn người bình thường. Thậm chí, cả mẹ và thai nhi đều có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian qua, nước ta đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc. Trong đó, có trường hợp đang mang thai bị ngộ độc nặng phải hồi sức tích cực.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Thành cho biết, nước ta thuộc khu vực nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. Do đó, việc phòng ngừa nguy cơ này luôn là điều cần được chú ý. Đặc biệt, phụ nữ mang thai là một trong những nhóm cần thận trọng hơn cả.
“Thai phụ thuộc nhóm dễ bị ngộ độc thực phẩm. Bởi, quá trình tiêu hóa thức ăn ở phụ nữ mang thai thường chậm hơn so với người bình thường, để cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ các thực phẩm thu nạp vào.
Tuy nhiên, nếu thực phẩm không an toàn, nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoặc độc chất thì quá trình tiêu hóa chậm như vậy lại khiến chất độc hấp thu vào cơ thể nhiều hơn và việc đào thải cũng lâu hơn so với thông thường”, bác sĩ Thành giải thích.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng, đảm bảo vệ sinh ăn uống và lựa chọn thực phẩm an toàn để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Thành cho biết, không ngẫu nhiên mà ngộ độc thực phẩm ở thai phụ lại nghiêm trọng hơn so với các trường hợp thông thường khác. Sở dĩ, điều này xảy ra là bởi thai phụ dễ rơi vào tình trạng bị mất nước do tiêu chảy, nôn ói.
Bản thân thể tích tuần hoàn của phụ nữ mang thai tăng gấp 1,5 lần so với bình thường để có thể cung cấp máu cho cả hai mẹ con. Do đó, tình trạng thai phụ bị mất nước có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn, tụt huyết áp và gây nguy hiểm cho thai nhi.
Cũng theo bác sĩ Thành, nguyên nhân khác là một số loại ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm có thể lây truyền từ mẹ sang con, chẳng hạn như Toxoplasma - một loại ký sinh trùng có nhiều trong các loại phân động vât như chó, mèo... Toxoplasma có thể tồn tại trong thức ăn và lây qua đường tiêu hóa khi ăn thực phẩm tái sống, trái cây, rau xanh chưa được rửa sạch.
Nếu mẹ bầu bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma thì có thể khiến thai nhi nhiễm trùng bẩm sinh và có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt, tim, não, rối loạn máu và chậm phát triển. Thậm chí, có nhiều trường hợp thai nhi bị chết lưu do nhiễm bệnh.
Ngoài ra, khi thai phụ bị đau bụng, rất khó để phân biệt được tình trạng đó xảy ra do dọa đẻ non hay bởi rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Do đó, dễ dẫn đến rủi ro nếu bà mẹ chủ quan và không đến bệnh viện sớm.
Bác sĩ Phan Chí Thành khuyến cáo, khi có triệu chứng đau bụng, thai phụ không nên ở nhà tự điều trị mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và có hướng xử trí kịp thời.
“Tốt nhất, nên đến khám tại cơ sở y tế đa khoa có chuyên khoa sản để được phối hợp, điều trị, theo dõi cho cả mẹ và thai nhi. Còn nếu không, bạn nên đến cơ sở sản khoa khám trước. Sau khi loại trừ các nguyên nhân liên quan đến tai biến sản khoa, xác định thai nhi an toàn thì có thể chuyển sang khám chuyên khoa tiêu hóa”, bác sĩ Thành hướng dẫn.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với mọi người nói chung và với thai phụ nói riêng, theo bác sĩ Phan Chí Thành, điều quan trọng nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi. Thai phụ nên hạn chế ăn thực phẩm tái sống, rau sống, các món gỏi, sushi... Nếu mua được các loại rau củ quả an toàn, chế biến tại gia đình, có đủ nước sạch để rửa kỹ nhiều lần thì phụ nữ mang thai có thể sử dụng các loại rau sống hay món salad.
Tuy nhiên, nếu đi ăn ở hàng quán bên ngoài thì thai phụ tuyệt đối không ăn rau sống hoặc thực phẩm chưa được nấu chín. Bác sĩ Phan Chí Thành cũng lưu ý, phụ nữ mang thai cần hết sức cẩn thận khi chế biến thực phẩm tươi sống.
Tốt nhất, mẹ bầu cần được ưu tiên không phải chế biến thực phẩm tươi sống, hoặc nếu làm thì nên đeo găng tay. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và chất thải như chó, mèo, chim cảnh để tránh lây nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm.
Tổn thương não sau 10 ngày uống thuốc giảm cân mua trên mạng
Thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể, giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine. Điều đáng nói đáng nói là sản phẩm này đã được bán tràn lan trên mạng xã hội.
Bệnh nhân là chị P.T.H (26 tuổi, trú tại Hà Nội), nhập viện cấp cứu vì dấu hiệu mờ mắt. Người phụ nữ này có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.
Chi H cho biết, gần đây chị mua sản phẩm giảm cân trên mạng về sử dụng. Sau 10 ngày, chị có hiện tượng đau dây chằng, sau đó đột ngột mất thị lực theo cơn.
Chị H. vào Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh tổn thương não, theo dõi do ngộ độc. Xét nghiệm ghi nhận loại thuốc giảm cân trên chứa chất cấm Sibutramine. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Chống độc để tiếp tục điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân uống sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, dùng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Sibutramine là loại chất đã bị cấm sử dụng trên người vì gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hiện nay có thực phẩm chức năng trộn các loại chất độc hại, cấm sử dụng, chất được phép sử dụng nhưng liều lượng không đúng.
Tại Trung tâm Chống độc, bác sĩ ghi nhận các trường hợp hôn mê, co giật, tổn thương não, phải cấp cứu điều trị vì chất cấm được trộn vào thực phẩm chức năng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi người dân ốm đau cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, được kê đơn thuốc phù hợp. Tránh trường hợp tự ý mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng về sử dụng.
"Với thực phẩm chức năng, đặc biệt là những sản phẩm được quảng cáo "thần thánh" cần thận trọng. Trước khi mua sản phẩm cần tìm hiểu kỹ, rõ nguồn gốc xuất xứ, tìm hiểu và mua sản phẩm ở những nơi uy tín để đảm bảo sức khỏe", Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.
T.M (tổng hợp)