Gia tăng trẻ mắc bệnh trong thời tiết nồm ẩm
Mới đây, sau 3 ngày mắc sốt và ho nặng tiếng, bé gái N.M.P, 15 tháng tuổi (cư trú tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã được mẹ đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn để kiểm tra. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc viêm phổi và nhập viện để điều trị nội trú. Mẹ của bé P cho biết rằng trước đó, khi bé mới bắt đầu ho, gia đình đã tự mua thuốc điều trị nhưng tình trạng sức khỏe của bé không cải thiện mà ngày càng trở nặng.
Trong số khoảng 100 trẻ được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, hầu hết đều mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, cúm, và các loại sốt do virus.
Theo BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy. Các phụ huynh cho biết diễn tiến bệnh của trẻ rất nhanh, dù chỉ ít ngày trước đó trẻ mới húng hắng ho.
BS Mai khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Khi con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
"Khi trời nồm ẩm, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường dễ mắc bệnh. Do vậy, để phòng bệnh, các gia đình nên giữ vệ sinh môi trường sống, làm khô không gian sống; Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân; Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Với trẻ nhỏ cần lưu ý tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn", bác sĩ Mai khuyến cáo.
Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trong đó cần lưu ý đến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm trong thời tiết này như thủy đậu, sốt virus, bệnh sởi...
Ảnh hưởng của ăn chay tới não
Chế độ ăn chay (kiêng thịt, cá, sữa và trứng) đã được chứng minh là mang lại lợi ích dinh dưỡng đặc biệt là tăng chất xơ, beta carotene, vitamin k và vitamin C, folate, magie và kali cũng như cải thiện chỉ số sức khỏe trong chế độ ăn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, ăn chay có nguy cơ gây thiếu hụt chất dinh dưỡng đặc biệt là vitamin B12, đây là chất dinh dưỡng chủ yếu có nguồn gốc từ động vật.
Vitamin B12 là thành phần quan trọng liên quan đến sự phát triển sớm của não, duy trì chức năng bình thường của hệ thần kinh trung ương và có tác dụng bảo vệ thần kinh.
Người bị thiếu vitamin B12 sẽ tích tụ homocysteine, chất này thúc đẩy sự hình thành các mảng bám trong động mạch và do đó làm tăng nguy cơ huyết khối do xơ vữa động mạch.
Thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến đột quỵ, bệnh Alzheimer, chứng sa sút trí tuệ do mạch máu, bệnh Parkinson và thậm chí ở nồng độ thấp hơn gây suy giảm nhận thức.
Tình trạng thiếu sắt cũng xuất hiện ở những người ăn chay, thiếu sắt dẫn đến suy giảm sự phát triển não bộ sớm và chức năng nhận thức ở người lớn và trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ thiếu sắt.
Một nghiên cứu cho thấy khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng học tập bị suy giảm ở những phụ nữ thiếu sắt so với những phụ nữ có đủ chất sắt, tình trạng này có thể được phục hồi sau 4 tháng bổ sung sắt bằng đường uống.
Thiếu sắt gây ra thiếu máu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mệt mỏi hoặc thiếu máu cung cấp cho não hoặc thay đổi hệ thống thần kinh và sinh học thần kinh gây suy giảm chức năng nhận thức.
Ngoài ra, trong số các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm ở người ăn chay cao hơn so với người không ăn chay và tỷ lệ gãy xương ở người ăn chay cao hơn 30% so với người ăn thịt do tình trạng thiếu canxi.
Người ăn chay có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa tim mạch và một số bệnh ung thư tuy nhiên họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vitamin B12, protein, sắt và canxi so với người không ăn chay hoặc không ăn chay thường xuyên.
"Người ăn chay cần theo dõi tình trạng sức khỏe bằng cách xét nghiệm máu thường xuyên, tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để sống lành mạnh bằng chế độ ăn chay và xem xét bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tránh thiếu hụt hoặc độc tính liên quan đến quá liều chất dinh dưỡng", bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành khuyến cáo.
10 cách dự phòng tăng huyết áp
Để dự phòng tăng huyết áp, theo khuyến nghị của Hội Tim mạch Việt Nam, chúng ta cần thay đổi lối sống như sau:
1. Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI = cân nặng/chiều cao x 2) từ 20 đến 25 (giúp giảm 5-10mmHg nếu giảm mỗi 10kg); duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
2. Chế độ ăn hợp lý: tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo bão hoà (mỡ, da động vật,dầu cọ, dầu dừa, đồ nướng, chiên, xào), đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
3. Hàng tuần nên ăn cá từ 2-3 bữa, chọn các loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, dùng sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt.
4. Giảm ăn mặn (dưới 6g muối/ngày). Tốt nhất là chỉ nên ½ thìa cafe/ngày là đủ.
5. Hạn chế uống rượu, bia: uống < 3 cốc chuẩn/ngày (nam), < 2 cốc chuẩn/ngày (nữ). Tổng cộng dưới 14 cốc chuẩn/tuần (nam), dưới 9 cốc chuẩn/tuần (nữ).
1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330 ml bia hoặc 120 ml rượu vang, hoặc 30 ml rượu mạnh.
6. Ngừng hoàn toàn hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
7. Hạn chế sử dụng chất kích như trà, cà phê đậm đặc.
8. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
9. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Nếu không may đã bị tăng huyết áp cần nhớ tới lời khuyên của các bác sĩ về dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống như trên.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là điều trị không dùng thuốc và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bởi một khi phải dùng thuốc để hạ huyết áp thì sẽ phải dùng suốt đời. Nếu ngưng thuốc, huyết áp sẽ tăng vọt đột biến, có thể dẫn đến cơn đột quỵ.
T.M (tổng hợp)