Khô miệng có thể là “báo động đỏ” cho 5 căn bệnh nguy hiểm
Khô miệng là hiện tượng thường gặp mà nhiều người không mấy quan tâm nhưng đây cũng có thể là “báo động đỏ” mà cơ thể đưa ra nhằm cảnh báo bạn về các căn bệnh nguy hiểm.
Khô miệng là tình trạng tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm cho miệng và thường bị nhiều người bỏ qua. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bất ổn và thậm chí còn có thể là “báo động đỏ” cho một số căn bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Azad Eyrumlu thuộc Banning Dental Group – một công ty nha khoa tư nhân hàng đầu Vương Quốc Anh cho biết, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe ngay lập tức nếu nhận thấy tình trạng khô miệng mà mình đang gặp phải kéo dài dai dẳng.
Theo ông Eyrumlu, khô miệng có thường đi kèm triệu chứng khác như cảm giác dính trong miệng, khô hoặc đau họng, khó nhai hoặc nuốt thức ăn và thậm chí là hôi miệng. Một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm nhất định như đột quỵ, tiểu đường hoặc bệnh Alzheimer có thể được cơ thể biểu hiện theo cách này.
Ngoài ra, đôi khi những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn tự miễn dịch như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) hoặc hội chứng Sjogren (một bệnh viêm tự miễn hệ thống mạn tính và không rõ nguyên nhân).
“Khi bạn đến gặp nha sĩ, chúng tôi không chỉ quan tâm đến sức khỏe răng miệng của bạn. Chúng tôi cũng được đào tạo về cách phát hiện một số vấn đề rộng hơn đối với sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của chính mình và nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khô miệng dai dẳng thì bạn phải nêu rõ điều này với bác sĩ”, ông nói thêm.
Bác sĩ Azad Eyrumlu giải thích thêm rằng, nhiều người có thể chưa bao giờ chú ý đến tầm quan trọng của nước bọt nhưng thực tế chúng đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe răng miệng khi giúp trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra và rửa trôi các mảnh vụn thức ăn. Nước bọt cũng rất cần thiết để ngăn ngừa sâu răng đồng thời chứa các enzyme quan trọng hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đảm bảo cơ thể hấp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết.
Vì vậy, bạn nên đến gặp nha sĩ ít nhất 6 tháng một lần để đảm bảo vệ sinh răng miệng ở trạng thái tốt và theo dõi mọi vấn đề sức khỏe có thể đang phát triển trong cơ thể. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên đánh răng trong 2 phút bằng kem đánh răng có chứa fluoride 2 lần một ngày, cũng như dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng thường xuyên để bảo đảm sức khỏe răng miệng.
Trong trường hợp nhận thấy tình trạng khô miệng đi kèm với các triệu chứng khó chịu kéo dài liên lục mà không thuyên giảm, hãy tiến hành kiểm tra sức khỏe cũng như xin lời khuyên từ các bác sĩ có chuyên môn ngay khi có thể.
Những thời điểm không nên ăn rau muống
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, rau muống là loại "rau quốc dân", vì phổ biến và được nhiều người yêu thích. Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân và giảm cholesterol, nồng độ đường trong máu một cách tự nhiên. Rau muống giàu sắt nên hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt, bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra nhờ các enzyme giải độc.
Rau muống chứa nhiều chất xơ hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa, tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón.
Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn nhưng khi nấu chín sẽ giảm tính hàn. Rau có tác dụng vào các kinh can, tâm, đại trường, tiểu trường, công dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể.
Người dân thường ăn rau muống luộc chấm kèm các loại nước mắm, tương. Nước của rau muống vắt chanh, thêm sấu hoặc thanh trà giúp bạn giải cơn khát, hỗ trợ trị say nắng, nóng. Ngoài ra, rau muống giã nát vắt lấy nước uống giúp giải độc say sắn.
Tuy nhiên, do môi trường trồng trọt nơi ao hồ nên rau muống thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như sán lá gan.
Ngoài ra, ký sinh trùng Fasciolopsis buski có thể xâm nhập vào cơ thể, bám vào ruột, chui qua thành ruột vào máu, từ đó gây các chứng đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Do đó quá trình sơ chế rau muống cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.
Dưới đây là những thời điểm không nên ăn rau muống.
Khi đang có vết thương: Với những người đang có vết thương trên da không nên ăn rau muống bởi chúng kích thích sinh tế bào gây sẹo, làm xấu da. Thậm chí, chúng khiến cho chỗ da mới mọc bị ngứa nhiều hơn. Vì thế, chỉ nên ăn rau muống khi vết thương đã khỏe hẳn, da đã lành lại mà thôi.
Người mắc bệnh gout, sỏi thận: Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi thận, người huyết áp cao không nên ăn rau muống. Do đó, khi thấy có những biểu hiện khác thường sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay.
Khi bị viêm khớp: Nếu bạn gặp tình trạng thường xuyên đau nhức xương khớp thì không nên bổ sung rau muống vào thực đơn hàng ngày. Những dưỡng chất trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng khó chịu, mệt mỏi.
Khi đang uống thuốc: Đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
Bỏng nặng vì đốt rác bằng xăng
Ngày 13/5, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cho biết vừa tiếp nhận 2 trường hợp bị bỏng nặng do đốt rác, trong đó một trường hợp đốt rác bằng xăng.
Trường hợp thứ nhất là người đàn ông 32 tuổi, bị bỏng do đốt rác bằng xăng, nhập viện với chẩn đoán bỏng độ II, III vùng mặt, cổ, cẳng tay phải và ngực. Diện tích bỏng khoảng 15%.
Bệnh nhân cho biết trong quá trình thu gom rác và đổ xăng vào để đốt, thấy ngọn lửa có hiện tượng tắt đã đổ thêm xăng, khiến ngọn lửa bùng lên và bén vào người gây bỏng nặng.
Trường hợp thứ 2 là người đàn ông 60 tuổi. Khi người này đang đốt rác, trong đống rác có lẫn một vật gì không rõ phát nổ, khiến người bệnh bị bỏng nặng và phải nhập viện với chẩn đoán bỏng độ II vị trí mặt, cổ, cẳng tay và bàn tay trái, diện tích bỏng khoảng 7%.
Theo các bác sĩ, các trường hợp bị bỏng có thể để lại rất nhiều di chứng như co rút cơ, gây ảnh hưởng đến vận động về sau.
Các vết bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm khuẩn gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng... ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các chất có thể gây ra cháy nổ như xăng, dầu hỏa, cồn...
Nếu không may bị bỏng, cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự chữa trị bằng các phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng, tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể xảy ra.
T.M (tổng hợp)