Nhiễm độc thạch tín từ thói quen nhiều người mắc phải
Ngày 1/3, bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng khoa điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu trung ương (Hà Nội), thông tin vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 64 tuổi, nhập viện với chẩn đoán ung thư tế bào gai - vảy nến - theo dõi nhiễm độc thạch tín mạn tính.
Bệnh nhân cho biết có thói quen sử dụng nước giếng khoan thường xuyên trong sinh hoạt. Đặc biệt, có sử dụng một loại thuốc đông y dạng viên trong nhiều năm. Thuốc không rõ nguồn gốc, không có nhãn hiệu và được quảng cáo có tác dụng trị hoàn toàn dứt điểm bệnh vảy nến.
Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc thạch tín mạn tính, nguyên nhân rất có thể xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc.
Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thu, thạch tín (asen) là một kim loại độc hại với sức khỏe con người, không màu, không mùi, không vị.
Thạch tín có thể được tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà không hề hay biết, tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư da và các tổn thương da.
Một số biểu hiện thường gặp trên da khi bị nhiễm độc thạch tín mạn tính là thay đổi sắc tố da, dày sừng lòng bàn tay, bàn chân.
Thạch tín có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da thông qua sử dụng nguồn nước ngầm có nhiễm thạch tín, một số loại dược phẩm và sản xuất công nghiệp. Nồng độ thạch tín trong nước ngầm, nước giếng khoan cao hơn nhiều so với nguồn nước từ sông, hồ.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu mắc các bệnh lý mạn tính như vảy nến, hen phế quản, da bọng nước... người dân tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Nếu gặp triệu chứng như có nốt sần nổi lên ở lòng bàn tay, bàn chân, da thô ráp, thay đổi sắc tố da... người dân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển thành ung thư da.
WHO báo động về tình trạng béo phí toàn cầu
Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì và đáng báo động là số người béo phì đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1990 đến nay.
Đây là những con số ước tính được nêu trong một nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu phối hợp thực hiện.
Được công bố vài ngày trước Ngày thế giới phòng chống béo phì (4/3), nghiên cứu nêu bật thực trạng béo phì trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia, trong đó có cả nhiều nước thu nhập thấp và trung bình trước đây phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng. Nghiên cứu cũng chỉ rõ thực tế trẻ vị thành niên và trẻ em là nhóm người có tỷ lệ người béo phì gia tăng nhanh hơn nhóm người trưởng thành.
Để có được con số ước tính 1 tỷ nêu trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích số đo cân nặng và chiều cao của hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia. Họ ước tính rằng 504 triệu phụ nữ trưởng thành và 374 triệu nam giới bị béo phì vào năm 2022. Nghiên cứu cho biết tỷ lệ béo phì ở nam giới đã tăng gần gấp 3 lần (14%) kể từ năm 1990 và tăng hơn gấp đôi ở nữ giới (18,5%). Theo nghiên cứu, khoảng 159 triệu trẻ em và thanh thiếu niên phải sống chung với bệnh béo phì vào năm 2022, tăng từ khoảng 31 triệu vào năm 1990.
Điều đáng quan ngại là số người mắc béo phì mới đang gia tăng nhanh chóng. Con số biểu tượng 1 tỷ người mắc căn bệnh này từng được WHO dự báo sẽ là hiện thực của năm 2030 nhưng cột mốc này đã đến nhanh hơn nhiều.
Trước nghiên cứu trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì trong mọi giai đoạn phát triển của con người thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc đầy đủ khi cần thiết. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sự hợp tác của khu vực tư nhân trong cuộc chiến chống “đại dịch” béo phì này, cho rằng khu vực này phải chịu trách nhiệm về những tác động sức khỏe do sản phẩm của họ gây ra.
Ông nêu biện pháp cụ thể để hiện thức hóa mục tiêu giảm tỷ lệ béo phì toàn cầu như thực hiện các biện pháp thuế đối với các sản phẩm có hàm lượng đường cao và thúc đẩy các bữa ăn lành mạnh tại trường học. Kết hợp với đó, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng góp phần chống bèo phì.
Béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh… Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Trong đại dịch COVID-19, béo phì cũng là nguyên nhân làm gia tăng số ca tử vong.
Gắp thành công "dị vật sống" trong khí quản thai phụ 21 tuổi
Một thai phụ 21 tuổi, trú tại Lạng Sơn, đang mang thai tuần thứ 18 đã được các bác sĩ khoa Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên gắp thành công "dị vật sống" là con vắt dài 5 cm ra khỏi đường hô hấp.
Theo gia đình người bệnh, khoảng 1 tháng nay, người bệnh xuất hiện ngứa họng, ho khạc đờm, thỉnh thoảng có lẫn máu, khàn tiếng tăng dần. Người bệnh đi khám tại phòng khám tư nhân trên địa bàn và được chẩn đoán viêm họng, kê thuốc về nhà uống. Sau một thời gian dùng thuốc, tình trạng bệnh không giảm, cảm giác có vật lạ di động trong vùng họng nên người bệnh đã đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để khám và điều trị.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ho nhiều, khàn tiếng và khó thở nhẹ. Qua nội soi, các bác sĩ đã phát hiện trong lòng khí quản người bệnh có dị vật sống và gắp ra một con vắt dài 5 cm. Sau khi thực hiện thủ thuật gắp dị vật, tình trạng sức khỏe của thai phụ và thai nhi hoàn toàn ổn định. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa Nội Hô hấp, thai phụ đã được xuất viện.
Được biết, gia đình thai phụ sử dụng nước chảy từ khe suối trong rừng làm nước sinh hoạt. Đây có thể là nguyên nhân khiến con vắt có cơ hội trú ngụ trong cơ thể của thai phụ qua đường ăn uống.
Theo BSCKII Chu Thị Thu Lan - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện, tình trạng đỉa/vắt chui vào và ký sinh trong cơ thể không phải hiếm gặp. Đỉa/vắt rừng thường sống ở các khe suối, lúc còn nhỏ kích thước chúng chỉ khoảng vài milimet, khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và sống ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng .
Do đó, BS Lan khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là những người đi rừng hoặc sinh sống gần các vùng đồi, rừng núi cần hạn chế uống nước ở khe, suối để tránh đỉa/vắt chui vào cơ thể. Khi có triệu chứng như ho, khạc đờm, ngứa cổ họng kéo dài hoặc nghi ngờ có đỉa/vắt hay các con vật lạ chui vào cơ thể, người bệnh cần đi kiểm tra sớm tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ máy móc hiện đại để kịp thời xử lý, tránh những diễn biến xấu có thể xảy ra.
T.M (tổng hợp)