Hệ lụy khi tự ý cho trẻ dùng thuốc ho
Bác sĩ CK1 Trần Nguyên Khôi - Phó khoa Nội 3 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, thời tiết thất thường như hiện nay khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ em dễ dàng tăng cao. Biểu hiện ban đầu thường gặp nhất là trẻ có triệu chứng ho.
Tuy nhiên, đây là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đờm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ. Ho cũng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gồm: Hô hấp; tim mạch (suy tim trái); tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản); tác dụng phụ của thuốc; tâm lý…
Về phân loại có ho khan và ho có đờm. Trong đó, ho khan là ho không có đờm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu…).
Ho có đờm là khi ho có tiết nhiều đờm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn. Về mức độ ho, nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính. Từ 3 - 8 tuần là ho bán cấp tính. Trên 8 tuần trở lên là ho mãn tính.
Hiện thuốc để điều trị ho chia thành 3 loại: Antitussive (chống ho); Protussive (hỗ trợ ho) và Thuốc ho thảo dược. Dựa vào đặc tính của từng loại thuốc và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ có phương hướng chỉ định.
“Để tránh các hệ lụy không mong muốn, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nếu chưa có sự cho phép của y bác sĩ. Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp”, bác sĩ Khôi khuyến cáo.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị ho ở trẻ chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ sau khi xác định nguyên nhân gây ho là do vi khuẩn như viêm họng, viêm phổi, viêm mũi…
Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus. Bởi, kháng sinh không có tác dụng điều trị với virus. Ví dụ, trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm do virus rhinovirus, influenza, virus hợp bào hô hấp (RSV)… thì việc sử dụng kháng sinh không giúp làm giảm ho cho trẻ.
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe của trẻ. Trong đó, vi khuẩn có thể trở nên kháng kháng sinh. Điều đó khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng…
Lạm dụng kháng sinh còn gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Một số trẻ có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm. Đây là tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp này, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận cấp cứu và điều trị.
Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng gấp đôi trong 10 năm
Theo TS.BS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm gây tàn tật và tử vong sớm; đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân dẫn đến cắt cụt chi.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính 7,1%, tương đương gần 5 triệu người.
Bệnh ĐTĐ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cùng với bệnh lý ĐTĐ, hiện nay một số bệnh nội tiết khác như rối loạn chuyển hóa, bướu cổ, suy giáp cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân của những bệnh lý này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt iốt gây nên.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng tỷ lệ người mắc ĐTĐ đang ngày càng gia tăng trong khi vẫn còn bộ phận lớn người bệnh không được chẩn đoán. TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, kết quả điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy hơn 4% dân số Việt Nam mắc ĐTĐ, nhưng đến năm 2020, con số này là gần 7,3%.
Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc ĐTĐ ở nước ta tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, một nửa số người mắc ĐTĐ không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh cho đến khi xuất hiện các biến chứng.
Tác hại của hút thuốc thụ động đối với trẻ em
Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Thực trạng ở nhiều gia đình hiện nay, hút thuốc là thói quen của nam giới và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ.
Hiện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có trên 90 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có gần 80% trẻ bị viêm phổi. Trong số trẻ bị viêm phổi có một số trẻ phải chuyển lên tuyến trên vì bệnh nặng. Một trong những nguyên nhân gây ra là do trẻ sống trong môi trường có khói thuốc.
Theo bác sỹ Phan Quang Thỏa, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Có nhiều nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam. Bên cạnh đó trẻ hút thuốc lá thụ động còn bị ảnh hưởng đến các vấn đề về hô hấp, khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm. Các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Ngoài ra, trẻ tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ bị bệnh viêm tai giữa. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe. Một vấn đề khác nữa là hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ, nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%. Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai cũng có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ…
Tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban quản lý quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Thuốc lá và khói thuốc lá đe dọa sức khỏe, sự phát triển của trẻ em. Trong thuốc lá có tới hơn 7.000 chất độc và rất nhiều chất gây ung thư. Đặc biệt, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em trong suốt quá trình từ lúc các em nằm trong bụng mẹ đến lúc lớn lên. Người mẹ mang thai sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và tử vong thai nhi. Cha mẹ hút thuốc khi ở nhà sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ bị bệnh hô hấp và các bệnh lý khác”.
Để hạn chế việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá, theo tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban quản lý quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Hà Tĩnh: cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó, tập trung vào các vi phạm về hút thuốc, về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo giá thuốc lá đắt hơn, ngăn chặn việc gia tăng mua thuốc lá, biện pháp này chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Cần ban hành chính sách cấm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ và những người sống cùng trẻ, nhằm ngăn ngừa việc trẻ hít phải khói thuốc lá.
T.M (tổng hợp)