Làm gì để phòng và tránh những biến chứng của bệnh thuỷ đậu?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter, có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra và tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người khác qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh thuỷ đậu xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vaccine.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm, bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, đa số là lành tính, hồi phục trong khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng cách, một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn…
Ngoài ra, dù khỏi bệnh nhưng virus Varicella Zoster vẫn trú lại trong tế bào thần kinh nhiều năm và gây bệnh Zona thần kinh sau này (hay còn gọi là giời leo). Khi phát bệnh Zona thần kinh, người bệnh vẫn có thể tiếp tục lây virus cho người khác gây ra bệnh thủy đậu.
Bên cạnh đó, các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền tim mạch, đái tháo đường, suy thận… có khả năng gặp biến chứng và tử vong cao hơn nếu mắc bệnh. Với phụ nữ mang thai ở tuần 12 – 20 mắc thuỷ đậu dễ dấn đến dị dạng thai, thai chết lưu. Nếu thai phụ mắc thủy đậu ở 3 tháng cuối, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong cao tới 30%, 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona thần kinh trong 4 năm đầu đời.
Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, khi phát hiện mắc bệnh thuỷ đậu, người mắc cần cách ly trong không gian thoáng đãng, hạn chế đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người khác trong gia đình cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức đề kháng, mau chóng phục hồi sức khỏe.
“Các quan niệm như mắc bệnh cần kiêng gió, kiêng nước, nặn mụn mủ thủy đậu để mau lành, đắp bằng các loại lá, tự mua thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ… có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da và các biến chứng nghiêm trọng khác”, bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý.
Theo đó, nguyên tắc quan trọng để điều trị thủy đậu là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm và các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ. Điều này giúp giảm thiểu các cơn ngứa ngáy, khó chịu, tránh nhiễm trùng nặng và hạn chế mụn nước lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, để lại sẹo xấu.
Đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, chăn ga, gối, nệm, tã lót (của trẻ em)… cần được khử khuẩn sạch sẽ. Sau khi giặt sạch bằng xà phòng, những đồ dùng này cần được khử khuẩn qua nước sôi hoặc ngâm trực tiếp vào dung dịch Cloramin B pha loãng với nước. Tuyệt đối không được giặt chung quần áo của người mắc bệnh với những người khỏe mạnh. Môi trường cách ly cần được đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, có ánh nắng để hỗ trợ tiêu diệt virus hiệu quả hơn. Ngoài ra, người mắc bệnh cũng lưu ý mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để các mụn mủ luôn được khô ráo, cắt móng tay, chân để tránh làm vỡ nốt thủy đậu khi vô tình cào, gãi.
Để phòng bệnh thủy đậu, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, vaccine thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, tránh lây nhiễm và biến chứng do bệnh. Vaccine phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Lịch tiêm vaccine thủy đậu gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm tùy thuộc vào loại vacicne và độ tuổi. Người đã tiêm vaccine nếu mắc bệnh thường nhẹ và ít gặp các biến chứng nguy hiểm; vaccine vẫn có khả năng bảo vệ với người vừa tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
“Vaccine thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ. Để phòng bệnh khi mang thai và cung cấp miễn dịch bảo vệ trẻ, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chủ động tiêm ngừa trước thai kỳ và ngừa thai ít nhất 3 tháng trước khi có thai”, bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, người dân cần tuân thủ các phương pháp vệ sinh cá nhân hằng ngày như thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi về nhà, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ chứa mầm bệnh; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt vệ sinh riêng; làm sạch và khử trùng môi trường sống và các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…
Ngậm kẹo sâm Hamer để kéo dài 'cuộc yêu', người đàn ông phải nhập viện
Ông B.X.T (51 tuổi, trú tại Hà Nội) cảm thấy không tự tin trong chuyện chăn gối nên đã âm thầm tìm mua loại kẹo sâm bán trên mạng được quảng cáo là kẹo “nam thần”.
Sau khi ngậm chiếc kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee, ông T. cảm nhận mình sung mãn hơn, thời gian cương cứng kéo dài hơn, tăng khoái cảm tình dục. Tuy nhiên, ông lại xuất hiện triệu chứng đau đùi, mỏi cơ. Hai ngày sau, tình trạng này không đỡ nên gia đình đưa ông vào viện khám.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân mang kẹo đến làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy loại kẹo này có chứa Tadalafil - một loại thuốc được dùng để chữa rối loạn cương dương.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thành phần Tadalafil đã được trộn vào trong loại kẹo sâm Hamer Ginseng & Coffee nhưng lại bán dưới dạng thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực nam giới. Tại Việt Nam, loại kẹo này được bán rất nhiều trên thị trường nhưng đều được giới thiệu là hàng "xách tay", không được quản lý.
Tại các hội nhóm trên mạng xã hội, loại kẹo này được quảng cáo giúp quý ông kéo dài thời gian yêu, cải thiện chức năng sinh lý. Giá của mỗi chiếc kẹo từ 60.000 đến 100.000 đồng tùy số lượng. Trung bình, các cửa hàng đều bán cả hộp 30 cái bởi người dùng cần "ăn thường xuyên, kéo dài để cải thiện tình trạng rối loạn cương".
Theo bác sĩ Nguyên, thành phần thuốc không rõ nguồn gốc, hàm lượng có thể gây ngộ độc. Triệu chứng khi bị ngộ độc biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.
- Tim mạch: Người bệnh bị hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim.
- Thần kinh: Chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ. Những vấn đề về thị giác như giảm, mất thị lực, thay đổi nhận thức màu sắc. Thậm chí, có trường hợp mất thính lực đột ngột.
- Tiêu hóa xuất hiện tình trạng nôn, tiêu chảy, tăng men gan.
- Xương khớp: Bệnh nhân có biểu hiện tiêu cơ vân, nhức mỏi cơ, đau cơ ở lưng và đùi.
Kẹo Hamer là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng chứa Sildenafil và Tadalafil, thành phần cấm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc trong điều trị khi có chỉ định của bác sĩ.
Lạm dụng đồ ăn chế biến sẵn cũng là nguyên nhân gây suy thận
Theo các thống kê của ngành y tế, ở nước ta mỗi năm có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo, bệnh nhân trẻ tăng 5-10% so với trước. Nhiều người không có biểu hiện bệnh, đi khám thì đã ở giai đoạn cuối.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang), ngoài các nguyên nhân truyền thống như: Bệnh lý về di truyền, nhiễm trùng, đái tháo đường, lối sống ít vận động, không khoa học cũng trở thành yếu tố nguy cơ đặc trưng của thời đại 4.0. Cùng với đó, lối sống đô thị hóa, chế độ ăn giàu năng lượng, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất bảo quản, lạm dụng rượu bia và lười vận động là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.
Cũng theo BS Tuyên, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi chỉ ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh.
BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu (Bệnh viện Hữu Nghị) phân tích, suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng. Ngoài ra, còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận… Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Hiện nay, nhiều ca bệnh khi phát hiện đã suy thận mạn, phải chạy thận lọc máu. Các bác sĩ lý giải là do ở các giai đoạn trước, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Đến khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Do đó, khi xét nghiệm nước tiểu, người dân cần quan tâm đến 2 thông số là đạm niệu và hồng cầu niệu, nếu hai thông số này thể hiện dương thì cần gặp bác sĩ ngay. Nếu phát hiện bệnh thận, người bệnh cần chú ý không nên ăn thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm nhiều chất đạm và kali (có nhiều ở trái cây và rau quả như chuối, mãng cầu, nước dừa), không uống nhiều nước... Với những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo, còn cần phải tuân thủ đúng số lần đến bệnh viện chạy thận, không bỏ bất kỳ lượt nào.
BS Hằng khuyến cáo, khi chức năng thận suy giảm người bệnh có thể có một số dấu hiệu sau: Mệt mỏi đôi khi chỉ thoáng qua, suy nhược cơ thể, chán ăn. Khó ngủ, khó tập trung làm việc, hay buồn nôn; Thiếu máu do thận bình thường sản xuất erythropoietin kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu sẽ có các biểu hiện: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược; Da khô, ngứa, chuột rút.
Các ghi nhận cho thấy người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt... thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ phát triển bệnh thận mạn tính. Vì vậy, các bác sĩ lưu ý, nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thận mạn tính nêu trên cần cảnh giác, khi thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.
T.M (tổng hợp)