Tin tức Đời sống 14/11: Bé trai suýt chết vì căn bệnh bất cứ ai cũng có thể mắc phải

Tin tức Đời sống 14/11: Bé trai suýt chết vì căn bệnh bất cứ ai cũng có thể mắc phải

Thứ 5, 14/11/2024 12:00

Cập nhật tin tức đời sống ngày 14/11: Bé trai suýt chết vì căn bệnh bất cứ ai cũng có thể mắc phải; Một bệnh thường gặp ở người già đang trẻ hoá tại Việt Nam...

Bé trai suýt chết vì căn bệnh bất cứ ai cũng có thể mắc phải

Ngày 14/11, BS CK1 Võ Thành Luân, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa điều trị tích cực cứu bệnh nhi N.H.K. sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp phải thở máy.

Theo đó, bệnh nhi được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao; kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.

Tại đây, bé K. được y bác sĩ khẩn trương hỗ trợ hô hấp, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu. Tình trạng suy gan cấp không cải thiện nên được khẩn trương lọc máu kết hợp song song thay huyết tương (3 chu kỳ thay huyết tương). Sau đó, chức năng gan của bé phục hồi, tuy nhiên, bé tổn thương thận nặng, vô niệu nên phải lọc máu liên tục hỗ trợ hai tuần.

"Bệnh nhân suy đa tạng (tổn thương gan, tim, thận, tụy) do mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong rất cao (2/3 trường hợp theo y văn). Bệnh nhi thực hiện nhiều biện pháp can thiệp kỹ thuật cao, kiểm soát nhiễm trùng cần vô cùng nghiêm ngặt" - BS Luân chia sẻ.

BS Luân cho biết thêm quá trình điều trị bệnh nhi được hỗ trợ tập vật lý trị liệu thường xuyên chống loét do nằm lâu; đồng thời, bé được chủ động cai máy thở khi còn đang lọc máu liên tục để có thể vận động sớm, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng.

Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã hồi phục, sức khoẻ bé ổn định và được xuất viện.

"Trẻ mắc bệnh khi vào khoa luôn trong tình trạng đã truyền nhiều dịch từ trước, truyền dịch kéo dài, cô đặc máu nhiều và suy hô hấp, đặc biệt là nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng suy đa cơ quan từ các tuyến, cần khẩn trương điều trị tích cực. Với kinh nghiệm và can thiệp hơn lý, gần 70% trẻ nhập viện do sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan được cứu sống", BS Luân nói.

Hiện tại các địa phương đã bước vào mùa mưa. Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường tăng cao do điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes - tác nhân chính truyền bệnh. Sốt xuất huyết Dengue có thể bị nhầm lẫn với các loại sốt thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót bệnh nếu không nhận diện đúng các triệu chứng ban đầu.

Bác sĩ Luân khuyến cáo các dấu hiệu phụ huynh cần lưu ý để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám: Sốt cao liên tục không hạ sau 2-3 ngày; đau đầu, đặc biệt là ở vùng sau mắt; đau cơ và khớp đôi khi kèm phát ban hoặc xuất huyết dưới da; buồn nôn, mệt mỏi, hoặc đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh.

Một bệnh thường gặp ở người già đang trẻ hoá tại Việt Nam

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Phương, khoa Nội tiết, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) cho biết, số người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là tiểu đường type 2.

"Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành trên 20 tuổi đã tăng lên trong những năm gần đây, với một tỷ lệ đáng lo ngại ở cả khu vực thành thị và nông thôn", bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Tin tức Đời sống 14/11: Bé trai suýt chết vì căn bệnh bất cứ ai cũng có thể mắc phải- Ảnh 1.

Bàn chân của người bị biến chứng tiểu đường (ảnh: Shutterstock).

Năm 2020, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nghiên cứu trong nước, khoảng 5 triệu người ở Việt Nam mắc tiểu đường và con số này dự báo sẽ còn gia tăng trong các năm tiếp theo.

Bệnh tiểu đường được chia thành 2 type, trong đó type 1 hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiểu đường type 2 thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng đang trẻ hóa. Những năm gần đây, bệnh tiểu đường type 2 đang ngày càng gia tăng ở nhóm người trẻ dưới 40 tuổi, thậm chí là trẻ em. Đặc biệt là những người có lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì và ăn uống không lành mạnh.

Những người làm việc trong môi trường văn phòng, ít vận động, ngồi lâu và làm việc căng thẳng có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn. Các ngành nghề khác như công nhân, nông dân cũng có thể mắc bệnh, nếu có các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống không lành mạnh, ít tập thể dục và stress công việc.

Bác sĩ Phương cho biết số lượng bệnh nhân đến tái khám lấy thuốc định kỳ, cũng như phát hiện mới tăng từng ngày. Tại phòng khám ngoại trú của khoa, lượng bệnh này chiếm khoảng 50-60% số bệnh nhân đến tái khám.

Những yếu tố làm căn bệnh này càng trẻ hoá, theo bác sĩ Phương là lối sống ít vận động của công việc văn phòng và thói quen ngồi lâu khiến ít người tập thể dục, làm giảm nhạy cảm insulin.

Thêm nữa, nhiều người có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện, chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ béo phì và giảm khả năng kháng insulin.

40.000 người tử vong mỗi năm vì viêm gan B và C

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm.

Đây là những thông tin được các chuyên gia y tế chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C tại tuyến y tế cơ sở" diễn ra ngày 13/11 tại Hà Nội.

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan virus. Trong đó virus viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.