Tuổi thọ, trí nhớ giảm mạnh vì… thiếu nắng
Theo Science Alert, một nghiên cứu mới từ Trường Đại học Y khoa Duy Phường (Trung Quốc) dựa trên 15 thử nghiệm và 600 bệnh nhân cho thấy người lớn tuổi rất nên ra ngoài và tiếp xúc đủ với ánh nắng để duy trì sức khỏe và tuổi thọ.
Trong các thí nghiệm, bệnh nhân được tiếp xúc 30 phút với ánh sáng mô phỏng ánh nắng tự nhiên, nhằm kích thích một vùng não liên quan đến việc điều hòa giấc ngủ và cũng có liên quan đến các khía cạnh của bệnh Alzheimer.
Kết quả dựa trên phân tích dữ liệu của gần 600 bệnh nhân từ 7 quốc gia cho thấy các triệu chứng của bệnh Alzheimer có thể được giảm rõ rệt nhờ việc kích thích vùng não này.
Điều này cũng chỉ ra một "vòng luẩn quẩn" rất dễ gặp ở bệnh nhân mắc vấn đề nan y này: Người bị Alzheimer thường ít đi ra ngoài, và điều này vô tình khiến bệnh của họ dễ diễn tiến phức tạp hơn.
Trong khi đó đây vẫn là một căn bệnh không có thuốc điều trị dứt điểm, chỉ có một số thuốc ít ỏi vừa được phê duyệt có khả năng làm chậm diễn tiến bệnh ở người được phát hiện sớm, nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Vì vậy tận dụng các liệu pháp can thiệp tự nhiên - từ thói quen ăn uống, lối sống - để làm chậm diễn tiến bệnh là rất quan trọng.
Nghiên cứu này cho thấy ánh sáng tự nhiên giúp giảm đồng thời các vấn đề về giấc ngủ và triệu chứng tâm lý - hành vi ở người bệnh.
Bởi lẽ nếu thiếu tiếp xúc với ánh sáng, nhịp sinh học sẽ bị tàn phá, gây ra một loạt rắc rối từ thể chất tới tâm lý.
Trong đó tác động đến giấc ngủ là rất quan trọng bởi điều này phổ biến ở 70% bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu. Việc giấc ngủ thiếu chất lượng lại làm tăng nguy cơ bệnh nặng thêm, từ đó giảm tuổi thọ và chất lượng sống.
Tâm trạng chán nản và các hành vi kích động hay diễn ra ở người Alzheimer cũng được giảm bớt nhờ liệu pháp ánh sáng, do vậy giảm cả gánh nặng cho người chăm sóc.
Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ khác hiện đang xếp hàng thứ 7 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm.
Không chỉ gây giảm tuổi thọ, Alzheimer còn gây giảm chất lượng sống nghiêm trọng và là gánh nặng y tế lớn, ngày một gia tăng ở nhiều quốc gia ngày nay.
Bộ Y tế thông tin về siro ho nhiễm độc tố chết người
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ngay sau khi tiếp nhận thông tin cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới về việc phát hiện một lô siro và thuốc bị nhiễm độc ở các quốc gia thuộc châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, Cục đã yêu cầu các phòng chức năng liên quan rà soát lại hồ sơ.
Qua tra cứu dữ liệu cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho thấy, tại Việt Nam các sản phẩm siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell của Công ty Pharmix Laboratories (Pakistan) chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành.
Đồng thời, các loại siro ho và thuốc kể trên chưa từng có hồ sơ đăng ký thuốc nộp tại Cục Quản lý Dược và chưa được cấp giấy phép nhập khẩu.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định một lô siro và thuốc bị nhiễm độc ở các quốc gia thuộc châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Các sản phẩm do Phòng thí nghiệm Pharmix ở Pakistan sản xuất, lần đầu được xác định tại Maldives và Pakistan. Số thuốc khác cũng xuất hiện ở Belize, Fiji và Lào.
Theo WHO, các loại thuốc, siro chứa chất độc ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được". Mức nhiễm độc dao động từ 0,62% đến 0,82% so với ngưỡng quy định là không quá 0,1%.
WHO cho biết tổng cộng có 23 lô sản phẩm, tên thương mại là siro Alergo, hỗn hợp Emidone, siro Mucorid, hỗn hợp Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Đến nay, chỉ có Alergo được tìm thấy bên ngoài Pakistan.
Các sản phẩm có công dụng đa dạng như điều trị dị ứng, ho và các vấn đề sức khỏe khác. Các sản phẩm được đề cập trong thông báo này đều kém chất lượng và không an toàn, đặc biệt đối với trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.
Cơ quan cho biết chưa có trường hợp nào gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến sản phẩm. Tuy nhiên, WHO kêu gọi các nước tăng cường cảnh giác và thử nghiệm sản phẩm trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.
Tháng 10 năm ngoái, WHO từng cảnh báo 4 loại siro trị ho và cảm lạnh do công ty Ấn Độ sản xuất có thể liên quan 66 trẻ em ở Gambia tử vong.
Bé 2 tuổi nuốt phải đinh vít sắc nhọn khi sang chơi nhà hàng xóm
Bé N.P.C (2 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) chơi ở nhà hàng xóm và nuốt phải đinh vít nhưng không ai biết.
Trẻ không có biểu hiện bất thường khi nuốt dị vật cho đến khi người hàng xóm tìm không thấy mới thông báo cho gia đình để đưa đi khám.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ chỉ định bé chụp Xquang thăm dò và phát hiện đinh vít sắc nhọn kích thước 2cm trong dạ dày, vị trí ngang đốt sống D3 của trẻ. Bệnh nhi được chỉ định gây mê nội soi tiêu hóa cấp cứu gắp dị vật.
Sau 5 phút, bác sĩ gắp dị vật có đầu sắc nhọn nằm trong dạ dày của bệnh nhi.
T.M (tổng hợp)