Tin tức Đời sống 14/3: Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ vì smartphone

Tin tức Đời sống 14/3: Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ vì smartphone

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 14/03/2024 12:29

Cập nhật tin tức đời sống ngày 14/3: Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ sử dụng điện thoại quá nhiều; 22 ca tử vong do bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh...

Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ sử dụng điện thoại quá nhiều

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo tình trạng trẻ em sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử có nguy cơ đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, nhất là các khớp ở ngón tay, cổ tay. Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử còn làm trẻ bị ảnh hưởng tới mắt và khả năng tập trung trong học tập.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là học sinh trung học cơ sở đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều, có cháu đã có biểu hiện bị viêm gân. Với những cháu này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay sẽ bị thoái hóa”.

Khác với người lớn, khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ thường tập trung vào thiết bị mà quên đi những việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Trẻ có thể chơi điện thoại trong thời gian dài, với tư thế cúi đầu hàng giờ có thể gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng. Tư thế cầm, giữ điện thoại lúc nằm còn ảnh hưởng tới cơ vai, khớp vai. Đặc biệt các ngón tay sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu trẻ dùng quá nhiều thiết bị thông minh, từ đó làm giảm hiệu suất học tập và khả năng viết của trẻ.

“Trẻ em khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ở trường học, cũng phải viết rất nhiều, trẻ đã phải sử dụng tay nhiều, ngay như việc cầm bút viết là các cháu đã luôn phải giữ tay ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, đó là tư thế không tốt cho khớp. Khi về đến gia đình mà các cháu lại tiếp tục sa đà vào các thiết bị điện tử khi đó tay sẽ phải làm việc rất nhiều. Đáng nói, nhiều cháu nhỏ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2-3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại sử dụng. Như vậy là quá nhiều, các hoạt động quá mức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gân cơ vùng ngón tay, bàn tay và đặc biệt là các khớp vùng ngón tay cái” - BS Huyền nói.

Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khi trưởng thành, vì quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm.

Chuyên gia khuyến cáo, khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu như đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay; sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó; các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, đó là khớp ở gốc bàn tay, khi để tay không cũng mỏi thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

Để ngăn chặn tình trạng này, cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị để giảm tình trạng đau, mỏi khớp. Ví dụ sử dụng 30 phút điện thoại rồi phải nghỉ, trong 1 ngày sử dụng 2-3 lần, mỗi lần 30 phút là tối đa thì mới giảm nguy cơ thoái hóa.

Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con thả lỏng bàn tay, co duỗi tay nhẹ nhàng, xoay gập cổ tay nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không bẻ khớp là cách “thư giãn” tốt nhất cho khớp.

BS Huyền cũng cảnh báo, không chỉ người lớn, mà học sinh hay có thói quen bẻ ngón tay, bẻ khớp khi mỏi tay. Thói quen này hoàn toàn không tốt cho khớp và bẻ tay càng nhiều, bao khớp càng giãn. Khi bị giãn các bao khớp không thể giữ cho khớp ở trạng thái ổn định. Đây là việc làm thúc đẩy tình trạng thoái hóa khớp.

22 ca tử vong do bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (gồm: Đắk Lắk có 4 ca tử vong, Gia Lai có 1 ca tử vong). Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Đời sống - Tin tức Đời sống 14/3: Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ vì smartphone

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10-15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Theo ngành y tế, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Công tác quản lý việc nuôi chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; Tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt dưới 10%.

Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục gia tăng.

Đề cập đến vấn đề này, TS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Bộ Y tế lưu ý người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Ngoài ra, người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Phát hiện thai phụ bị sốt rét ngoại lai

Bệnh nhân nữ Đ.T.T., 32 tuổi, quê tỉnh Quảng Ninh đang mang thai 19 tuần. Ngày 9/3, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế với các triệu chứng sốt cao, rét run, vàng da, vàng mắt… Ngày 10/3, bệnh nhân được được chuyển điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, sốt rét ác tính, suy gan cấp… Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng vẫn còn nặng. Hiện các y bác sĩ, khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Trước đó, bà Đ.T.T. sống và làm việc tại Angola khoảng 1 năm, chưa từng bị mắc sốt rét. Ngày 2/3, bà T. rời Angola về thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/3. Ngày 4/3, người phụ nữ này đi máy bay về thăm người thân ở phường Vĩ Dạ, thành phố Huế.

Đây là ca bệnh sốt rét ngoại lai thứ 3 được phát hiện và điều trị tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 7 /2023 đến nay.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa sốt rét trong cộng đồng; đồng thời lưu ý các cơ sở y tế khi thu dung điều trị các trường hợp sốt cần phải khai thác có yếu tố dịch tễ sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.