Thói quen không ngờ gây hại cho hệ tiêu hóa
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Theo thống kê, khoảng 15,6 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá. Bên cạnh những người hút thuốc lá trực tiếp, lượng người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng ở mức cao đáng báo động.
Hút thuốc lá không chỉ là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý tim mạch và hô hấp, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh có hại tới hệ tiêu hóa. Hút thuốc góp phần gây ra nhiều rối loạn hệ tiêu hóa như ợ chua, ợ nóng, đau bụng, mệt mỏi.
Hút thuốc đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), Crohn, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
Hành động này không chỉ ảnh hưởng hệ thống thanh - khí quản - phổi mà còn theo cuống họng để xâm nhập tới thực quản và gây biến đổi ung thư hóa. Đồng thời, hút thuốc cũng làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới (cơ giữa thực quản và dạ dày, giúp ngăn thức ăn từ dạ dày chảy ngược lại thực quản).
Khi cơ vòng thực quản dưới yếu đi, các chất trong dạ dày có thể trào ngược lại thực quản, gây ợ chua và có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Barrett thực quản được coi là có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư thực quản.
Không chỉ thuốc lá truyền thống mà cả thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ cao gây các bệnh tiêu hóa, đặc biệt là ống tiêu hóa trên.
Hầu hết, bệnh nhân hút thuốc lá thường phát hiện bệnh muộn do sự ngấm dần từ từ của khói thuốc. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh, người dân cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Báo động bệnh nhân suy thận mạn đang dần trẻ hóa
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người suy thận các mức độ và khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo.
Cùng với gia tăng người mắc bệnh thận, số lượng người trẻ suy thận có xu hướng gia tăng. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, xin việc. Khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng 5-10%.
Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân còn trẻ bởi việc điều trị rất tốn kém.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng và trẻ hóa là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout…
Những bệnh này cũng có xu hướng trẻ hóa và dần chuyển sang suy thận. Một số người mắc các bệnh lý đường tiết niệu như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu và các bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…) cũng có thể diễn tiến sang suy thận.
Theo TS. Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn... thì với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn. Tỉ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.
Hệ lụy từ nhóm bệnh nhân này, khi đang trong độ tuổi lao động, nếu bị mắc bệnh thì làm giảm sức khỏe của chính bản thân người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội. Sau đó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, gánh nặng cho y tế.
Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong. Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính.
Theo các bác sĩ, gánh nặng bệnh suy thận mạn gây ra rất lớn. Khi đã bước vào suy thận giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ suốt đời, sức khỏe giảm sút, mất khả năng lao động.
Bệnh chỉ có thể khắc phục được thông qua ghép thận nhưng trong bối cảnh nguồn tạng hiến khan hiếm và chi phí ghép tạng đắt đỏ như hiện nay thì giải pháp này vẫn chưa phổ biến.
Ghép thận là biện pháp cuối cùng khi không còn phương pháp điều trị. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện cả nước có gần 5.000 người trong danh sách chờ ghép thận.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến nay đã thực hiện ghép thận cho 1.800 bệnh nhân. TS.Nguyễn Thế Cường, Khoa Thận lọc máu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, trong số các bệnh nhân ghép thận có 33% là nữ và nam là 67%, chủ yếu độ tuổi ghép thận từ 27 - 60 tuổi.
Hiện nay, kỹ thuật lấy - ghép thận cũng ngày càng phát triển, các bệnh viện đã thực hiện lấy thận ghép bằng kỹ thuật nội soi, giúp người hiến tạng sống hồi phục tốt sau khi hiến tạng.
Mặc dù kỹ thuật ghép thận phát triển đã giúp người bệnh kéo dài sự sống, tuy nhiên bác sĩ Cường nhận định hiện nay nguồn hiến ghép tạng nói chung và nguồn hiến thận nói riêng chủ yếu vẫn là người cho sống.
Do vậy hầu hết người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối vẫn phải phụ thuộc vào lọc máu định kỳ. Vì thế, việc thay đổi lối sống cùng với tầm soát bệnh thận định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa suy thận mạn.
Để bảo vệ thận, theo các chuyên gia, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đưa các chất có hại vào cơ thể, đặc biệt là rượu bia và chất kích thích, ăn ngủ đúng giờ, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, mọi người không nên tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân.
Người dân nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như: Phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... Đặc biệt, hiện tượng tăng huyết áp cần được chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ.
Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như: Nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác... thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
Bên cạnh đó, việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận để điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.
Đối với gia đình có người bị suy thận, bệnh viêm cầu thận IgA, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm đạm niệu, đạm máu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.
Y học tiến bộ, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận, do đó nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn. Bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận.
Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu hay nhiễm vi trùng, ký sinh trùng nếu không được bảo quản đúng cách. Nguy cơ này càng cao hơn với thức ăn đường phố, khi phần đông người bán chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về dụng cụ bảo hộ, dụng cụ bảo quản hoặc nguồn gốc nguyên liệu.
"Ngộ độc hàng loạt thường do 3 nhóm vi khuẩn, gồm: Tụ cầu vàng, Salmonella và E.coli… các loại khuẩn này dễ xâm nhập, phát triển trong thức ăn và tiết ra độc tố rất nhanh, gây ngộ độc cho người sử dụng", BS Khanh chia sẻ.
Thời gian qua, hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm lớn được xác định nguyên nhân do thức ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn Salmonella có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và cả thực phẩm chế biến sẵn.
Sau khi vào cơ thể qua đường ăn uống, Salmonella gây nhiễm trùng ở dạ dày, ruột, thời gian ủ bệnh từ 6-72 giờ.
Bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu…
"Khi ngộ độc thực phẩm với các dấu hiệu đau bụng, nôn ói, người dân không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Đồng thời, trong thời gian 24-48 giờ sau đó, cần tự theo dõi sức khỏe, nếu dấu hiệu nặng hơn, cần đến ngay bệnh viện, tránh biến chứng đáng tiếc", BS Khanh khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước có khoảng 700.000 cơ sở chế biến thực phẩm, đa số ở quy mô vừa và nhỏ nên rất khó kiểm soát toàn bộ. Cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Cần sự kết hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý, người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng để góp phần tạo nên thị trường thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc", ông Long nói.
T.M (tổng hợp)